Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 17/7 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 17/7/1956, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội. Ngày 4/12/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1155/QĐ-TTg đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ ở sông Đà ở Cổ Đô, huyện Bà Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 8/7/1958 |
Hiện, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 7 bảo tàng quốc gia có số lượng hiện vật và số lượng khách tham quan đông nhất. Thông qua những hiện vật gốc trung thực, độc đáo, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự trở thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một địa điểm hấp dẫn đối với khách tham quan nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam.
Ngày 17/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra đê ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Tại một điếm canh đê ở Hà Nội, Người đã nói với nhân dân: “Trước kia tỉnh nào biết tỉnh ấy, bây giờ phải lo chung. Cán bộ và đồng bào các tỉnh gần nhau phải phối hợp chặt chẽ, tích cực giúp đỡ nhau chuẩn bị phòng và chống bão lụt…”
Cùng ngày, Bác đến thăm công trường xây dựng đập tràn của đập Đáy và trạm bơm Đan Hoài. Tại đập Đáy, Người chủ trì một cuộc họp bàn tại chỗ để đẩy mạnh thi công sửa chữa đập.
Ngày 17/7/1988, nhà vǎn, nhà thơ Thanh Tịnh qua đời tại Hà Nội. Ông sinh ngày 12/12/1911 quê ở xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tác phẩm tiêu biểu: Hậu chiến trường, Quê mẹ, Chị và em, Ngậm ngải tìm trầm, Sức mồ hôi, Những giọt nước biển, Đi giữa một mùa sen, Thơ ca Thanh Tịnh.
Ngày 17/7/1947, Bộ Kinh tế ban hành Nghị định số 112-BKT tạm ấn định những cửa khẩu có hoạt động ngoại thương tại Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thất Khê (Lạng Sơn), Thanh Hóa, Nghệ An.
Ngày 17/7/1957, Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp Đỗ Mười trình bày tại Hội nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (mở rộng) dự thảo chính sách của Nhà nước đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Ngày 17/7/1980, thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, nay là Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, trực thuộc Bộ Công Thương.
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu giới thiệu với Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh về một số kết quả nghiên cứu mới |
Trong những năm qua, Viện đã có nhiều đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành dầu thực vật Việt Nam: Thực hiện các Dự án cấp Nhà nước về cây dừa, cây lạc, cây vừng và đậu tương, qua đó đã cung cấp nhiều giống cây có dầu có năng suất và chất lượng cao, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến dầu thực vật, nhiều biện pháp kỹ thuật liên quan đến canh tác, bảo vệ thực vật được chuyển giao thành công cho nông dân.
Trong lĩnh vực hóa dầu béo, nhiều sản phẩm mới có giá trị cao từ cây có dầu và dầu thực vật đã được nghiên cứu thành công, được thị trường chấp nhận, được các giải thưởng khoa học có gía trị… góp phần quan trọng đưa ngành công nghiệp chế biến dầu và cây có dầu phát triển và hội nhập với thế giới.
Ngày 17/7/1995, Việt Nam ký hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 17/7/2007, Quyết định 30/2007/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2020.
Ngày 17/7/2007, Thông tư 09/2007/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 17/7/2013, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 17/2013/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kíp nổ vi sai phi điện an toàn sử dụng trong mỏ hầm lò có khí Mêtan. Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 16/2013/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dây dẫn tín hiệu nổ dùng cho kíp nổ vi sai phi điện an toàn sử dụng trong mỏ hầm lò có khí Mêtan.
Sự kiện quốc tế
Ngày 17/7/1762, Ekaterina II trở thành Nữ hoàng Nga sau khi hạ bệ Pyotr III của Nga.
Ngày 17/7/1871, Viện Hàn lâm khoa học Pháp đã đón nhận phát minh đi-na-mô (máy phát điện một chiều) của Gramme, người Bỉ.
Ngày 17/7/1945, lãnh đạo ba nước đồng minh: Winston Churchill, Harry S. Truman và Iosif V. Stalin gặp mặt ở thành phố Potsdam (CHLB Đức) để quyết định tương lai của một nước Đức bị đánh bại.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 17/7/1920, toàn văn tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin được đăng trên tờ “L’Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp. Chính nhờ được đọc văn kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn con đường đi theo Quốc tế III của Lênin để góp phần sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội, ngày 16/10/1954 |
Ngày 17/7/1945, một đơn vị vũ trang mang biệt danh “Con Nai” (The Deer) của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (OSS) do Thiếu tá E. Thomas chỉ huy, theo sự thỏa thuận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào và được Việt Minh đón tiếp. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ tham gia huấn luyện để cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập một “Đại đội Việt-Mỹ” chống phát xít Nhật.
Ngày 17/7/1947, Bác gửi thư cho Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc 27/7” nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc... Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”.
Ngày 17/7/1962, Bác gửi điện chúc mừng “Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình” trong đó nhấn mạnh: “Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hòa bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến”.
Ngày 17/7/1966, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước nêu rõ quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn bất chấp mọi thủ đoạn leo thang chiến tranh và chiêu bài thương lượng hòa bình của Mỹ.
Lời kêu gọi thể hiện ý chí: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dựng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng…”.