Từ thành công cung cấp nhiều giống lạc cho sản xuất
Lạc là cây trồng nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Mỹ, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cây có dầu quan trọng. Lạc được trồng rộng rãi ở tất cả các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Hạt lạc giàu protein, chất béo, khoáng chất, vitamin do đó được trồng chủ yếu để lấy dầu ở hầu hết các quốc gia.
Mô hình giống lạc LDT3 tại TP Hà Nội |
Theo số liệu thống kê, Việt Nam là quốc gia có diện tích sản xuất lạc đứng thứ 28 nước có diện tích sản xuất lạc lớn trên thế giới, năng suất đứng thứ 25 và sản lượng đứng thứ 17 trên thế giới. Diện tích trồng lạc ở Việt Nam chiếm khoảng 0,50 - 0,67% của thế giới và sản lượng lạc chiếm 0,79 - 0,95% của thế giới do năng suất lạc ở Việt Nam nhìn chung cao hơn năng suất lạc trung bình của thế giới từ 0,71 - 0,83 tấn/ha.
Cây lạc tại Việt Nam được trồng khắp trên 7 vùng sinh thái, trọng điểm là Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian qua, diện tích lạc trên cả nước biến động trong khoảng từ 165,2 - 195,6 nghìn ha, sản lượng biến động từ 425,5 - 459,6 nghìn tấn.
Thời gian qua, trong công tác chọn giống, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) đã cung cấp giống lạc cho sản xuất tại phía Nam. Trong đó giống lạc VD2 có nguồn gốc từ lai tạo đã qua khảo nghiệm được đánh giá có hiệu quả trong sản xuất. Các giống VD1, VD2 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận và cho phép đưa ra sản xuất năm 1999, 2004; VD5, VD6 và VD7 được công nhận tạm thời năm 1999, 2004.
Kế thừa kết quả của công tác chọn tạo giống bằng phương pháp lai hữu tính, giai đoạn 2009 - 2011 Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã tuyển chọn được 3 giống lạc L9803-7, L9804 và ĐB3. Trong đó, giống lạc L9803-7 với tên gọi VD8 đã được công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam năm 2016.
Bên cạnh đó, từ kết quả đề tài “Ứng dụng giống mới, xác định một số biện pháp kỹ thuật thích hợp, xây dựng mô hình thâm canh để phát triển vùng nguyên liệu lạc ở Bình Thuận” năm 2014 - 2017 đã cho thấy, hai giống VD01-1 và VD01-2 có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu qua chọn tạo đã đạt năng suất đạt 3,7 - 4,2 tấn/ha vượt giống đối chứng địa phương từ 12,3 - 35,7%, hàm lượng dầu 51,8 - 52,7% và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nông hộ.
Chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao
Theo Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, trong dầu lạc chứa hàm lượng calo rất lớn vì thế nó được xem là loại thực phẩm bổ sung năng lượng rất tốt. Dầu lạc nguyên chất chứa nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất nên rất cần thiết để bổ sung vào cơ thể. Chất resveratrol trong dầu lạc giúp chống lại bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh Alzheimer và các bệnh nhiễm virus.
Xây dựng mô hình sản xuất giống lạc mới vụ Hè Thu 2023 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An |
Là một nguồn giàu canxi vì thế tác dụng của dầu lạc rất có ích cho những người bị viêm đau khớp xương. Ngoài ra, dầu lạc có chứa acid linoleic là tiền thân của prostaglandins - thực hiện các chức năng co giãn mạch máu. Trong dầu lạc rất giàu acid béo không bão hòa trong đó acid oleic (C 18:1) chiếm tỷ lệ 35 - 69%, loại acid béo tốt và cần cho sự phát triển của cơ thể, giúp giảm mức độ cholesterol xấu và ngăn ngừa bệnh tim và bệnh mạch vành.
Xuất phát từ thực trạng và những nghiên cứu trước đây làm tiền đề, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Bộ Công Thương cấp kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về vấn đề bổ sung và cung ứng cho nông dân sản xuất giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc. Đồng thời, bổ sung mới vào bộ giống lạc hiện đang sản xuất, phù hợp với điều kiện canh tác vùng, tăng lợi thế về giá trị cây lạc; tăng lợi thế cạnh tranh với các cây trồng khác trong vùng. Mục tiêu của đề tài đó là chọn tạo được một số giống lạc có hàm lượng dầu cao >50%, năng suất >3,5 tấn/ha.
Được thực hiện thực hiện từ năm 2019 - 2023, đến nay đề tài đã đạt được các kết quả: Công bố lưu hành giống lạc VD11 ở các tỉnh phía Nam (Tây Ninh, Long An, Bình Thuận) có năng suất đạt 3,51-3,81 tấn/ha, hàm lượng dầu đạt trung bình 54,47%. Giống lạc LDT3 ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Nghệ An và Vĩnh Phúc) có năng suất đạt 3,65-3,92 tấn/ha, hàm lượng dầu đạt 51,19%.
Đồng thời, xác định được 10 dòng lạc (4 dòng lạc từ lai hữu tính L1904-30, L1915-41, L1917-47, L1904-32; 6 dòng lạc từ đột biến L14-180/2, L27-220/2, L27-250/3, L29-200/4, SL-220/2 và TQV74-250/1) triển vọng có hàm lượng dầu đạt từ 50,02-56,88%
Ngoài ra, ban hành 2 quy trình canh tác cho giống lạc mới; xây dựng được 3 mô hình sản xuất giống lạc VD11 ở 3 tỉnh phía Nam (Long An, Tây Ninh và Bình Thuận) năng suất đạt 3,54 - 3,71 tấn/ha, vượt mô hình giống lạc phổ biến tại địa phương từ 19,7-25,0%. Đồng thời, xây dựng 3 mô hình sản xuất giống lạc LDT3 ở 3 tỉnh thành phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An) đạt năng suất thực thu từ 3,6 - 3,7 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 từ 12,3-16,1%.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị tiếp tục phát triển sản xuất giống lạc VD11 và LDT3 tại các tỉnh phía Nam và các tỉnh phía Bắc có điều kiện sinh thái và canh tác phù hợp cho từng giống lạc; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, sử dụng hiệu quả 10 dòng lạc triển vọng (dòng lạc từ lai hữu tính L1904-30, L1915-41, L1917-47, L1904-32; dòng lạc từ đột biến L14-180/2, L27-220/2, L27-250/3, L29-200/4, SL-220/2 và TQV74-250/1) có hàm lượng dầu >50%. |