Bộ trưởng Thương mại 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand tiếp tục khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên vào năm 2019.
Các Bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các Trưởng đoàn đàm phán, nhất là trong 3 phiên đàm phán gần đây, nhằm thu hẹp khoảng cách đàm phán về mở cửa thị trường cũng như đàm phán trong lĩnh vực quy tắc. Theo đó, hơn 2/3 đàm phán tiếp cận thị trường đã đạt được kết quả thỏa đáng lẫn nhau. Các lĩnh vực còn lại được tăng cường đẩy mạnh thông qua các cam kết mang tính xây dựng ở tất cả các cấp. Đáng chú ý, các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính và dịch vụ nghề nghiệp đã được hoàn tất, nâng tổng số các nội dung hoàn tất là 7 chương và 3 phụ lục.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giữa lúc Ấn Độ đang mong muốn các nước linh hoạt hơn để thúc đẩy lĩnh vực này.
Là khu vực chiếm 47,4% dân số, 29,1% thương mại cũng như 32,5% dòng đầu tư toàn cầu, Hiệp định RCEP có vai trò to lớn trong hoạt động thương mại. Do đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh đàm phán về RCEP là chương trình nghị sự thương mại quan trọng nhất trong khu vực.
Nếu các cuộc thương lượng thành công và hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay theo đúng dự kiến, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử, với khoảng 3,5 tỷ dân. RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Theo nhận định của các chuyên gia, việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan.
Đối với Việt Nam, nếu hiệp định được ký kết thì mức thuế xuất khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng có thể chỉ từ 0 - 5%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu thì quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất rất quan trọng. Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là từ Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất, cũng như nâng cao năng lực của chính mình.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc đưa ra các giải pháp thực tiễn để tháo gỡ những vướng mắc tồn tại, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu kết thúc đàm phán cuối năm nay. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này. |