Khai thác tiềm năng tăng trưởng khu vực của Hiệp định RCEPNhiều chuyên gia quốc tế lạc quan về Hiệp định RCEP trong thời gian tới'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP |
Quy mô thương mại liên tục gia tăng
Theo số liệu từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand; là nhà xuất khẩu thứ 13 vào thị trường New Zealand và là nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại thứ 38 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 51, nhập khẩu lớn thứ 58 của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,4 tỷ USD và năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD.
New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí - Ảnh: Bình Nguyên |
Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang New Zealand đạt gần 585,9 triệu USD. Trong đó, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 162,3 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 62,4 triệu USD; hàng dệt may đạt 46 triệu USD; thuỷ sản 18 triệu USD,
Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ New Zealand nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 499,8 triệu USD. Trong đó, sữa và sản phẩm sữa đạt 234,4 triệu USD; hàng rau quả 101,8 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ 49,3 triệu USD…
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương như Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP) khiến cho rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand. Chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu.
New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí - Ảnh: Bình Nguyên |
Về xuất khẩu, New Zealand được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khi phần lớn các mặt hàng New Zealand cần là những mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng.
Cụ thể, do không có thế mạnh về các ngành nghề chế tạo nên New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm: Máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ; xăng dầu; máy móc, thiết bị điện tử; hàng dệt may; nhựa và sản phẩm nhựa; các thiết bị y tế; sắt thép; dược phẩm; giấy bìa; thức ăn gia súc đã chế biến; phân bón; các chế phẩm ăn liền...
Về phương diện nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand bao gồm: Sản phẩm từ sữa; thịt bò, cừu; len; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; các loại trái cây và hạt (trong đó có những loại trái cây như kiwi, cherry, táo…); hải sản (cá ngừ, vẹm xanh…)… là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác, đầu tư, phân phối các sản phẩm từ sữa hoặc nông sản đến từ quốc gia này với mức tiêu thụ và lợi nhuận khả quan.
Còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, tiềm năng để phát triển thương mại giữa hai nước Việt Nam - New Zealand rất lớn. Các hiệp định thương mại tự do song phương, trong đó có Hiệp định RCEP với những ưu đãi đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - New Zealand.
TS. Võ trí Thành - Ảnh: Quốc Chuyển |
Theo vị chuyên gia, RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các đối tác.
Cùng với đó, chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu.
"Đặc biệt, Việt Nam và New Zealand đều là hai nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng hợp tác mang tính bổ sung cho nhau và đang tiến hành nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới", ông Thành nhấn mạnh.
Theo bà Trần Diệu Oanh - tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand, Việt Nam và New Zealand có nhiều tiềm năng để mở rộng quy mô thương mại song phương, trước mắt là mục tiêu thương mại hai chiều 2 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó có vai trò thúc đẩy quan trọng của Hiệp định RCEP mà hai nước đều là thành viên.
Tham tán Trần Diệu Oanh đánh giá, tuy là thị trường nhỏ, vị trí địa lý xa so với Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam khi đã tiếp cận được thị trường khó tính này sẽ là cơ hội cho sự phát triển và hợp tác lâu dài vì văn hóa kinh doanh của người New Zealand là trung thành và tin tưởng các đối tác. Bên cạnh đó, việc thâm nhập vào một thị trường có nhiều yêu cầu khắt khe và có tính chọn lọc cao như New Zealand sẽ là một trong những yếu tố quan trọng tăng vị thế và hình ảnh doanh nghiệp.
Hàng năm, thương vụ tổ chức các sự kiện chuyên ngành nhằm giới thiệu về thị trường, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, quảng bá những thế mạnh, cơ hội xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư với Việt Nam tại các thành phố lớn của New Zealand. Bên cạnh đó, thương vụ tham gia các sự kiện như triển lãm và hội chợ để giới thiệu sản phẩm của Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp tới khách hàng là các nhà bán buôn, bán lẻ, người tiêu dùng tại New Zealand.
"Các hoạt động được tổ chức nhằm lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp New Zealand; coi trọng từ những cơ hội rất nhỏ để có thể đưa được sản phẩm Việt Nam sang thị trường New Zealand", bà Oanh chia sẻ và nhấn mạnh, thương vụ đã tranh thủ mọi cơ hội để tiếp xúc, quảng bá sản phẩm Việt và tiềm năng rộng lớn của Việt Nam với từng doanh nghiệp New Zealand. Chính các doanh nghiệp này sẽ là những mắt xích kết nối, tìm điểm đến cho sản phẩm nguồn gốc Việt Nam trên thị trường New Zealand.
Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, bà Trần Diệu Oanh cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa. Khi tiếp cận thị trường cần có chiến lược bài bản, dài hạn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn của thị trường này với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Bà Oanh dẫn chứng, nhiều sản phẩm có rủi ro dịch hại như động vật, thực vật tươi sống không được phép nhập khẩu vào thị trường, hoặc chỉ được phép với các điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt, tùy theo hàng hóa và thị trường xuất khẩu.
"Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu để đảm bảo hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định của thị trường", Thương vụ Việt Nam tại New Zealand lưu ý.