Hàng chục các cuộc thảo luận lớn, nhỏ, sự kiện bên lề trong một kỳ WEF đã mang đến cho những người tham dự, đặc biệt là nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp (DN) ý tưởng quản trị, kinh doanh và khởi nghiệp. Nhiều báo cáo, bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF công bố sau đó gần như là "kim chỉ nam" cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP |
Làm rõ hơn về quan điểm "phiên chợ" ý tưởng của WEF, đặc biệt tại sự kiện WEF ASEAN 2018 tổ chức ở Hà Nội từ ngày 11-13/9, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ, diễn đàn có thể xem là nơi hội ngộ của những người đã góp phần kiến tạo nền kinh tế thế giới và khu vực.
Thông qua sự kiện, DN Việt Nam có cơ hội nắm bắt tình hình chung của nền kinh tế thế giới trên nhiều phương diện: Thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình kinh doanh...; từ đó, định hướng, định vị lại và xây dựng chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh trong giai đoạn mới.
Có một điểm đặc biệt khi tham gia "phiên chợ" WEF ASEAN 2018, Việt Nam không chỉ học hỏi mà còn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là "đặc sản", sáng kiến của Việt Nam, và lần đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ WEF với mong muốn các DN và cơ quan của Việt Nam có thể tiếp cận kiến thức của thế giới thông qua những cuộc thảo luận. Bên cạnh đó, thêm cơ hội để quảng bá về nền kinh tế, cơ hội đầu tư kinh doanh, thực hiện xúc tiến thương mại đầu tư ở tầm quốc gia.
Bắt nhịp xu thế chung của toàn cầu, tận hiến những ý tưởng sáng tạo trong tổ chức, tại WEF ASEAN 2018, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò của nước chủ nhà và đồng tổ chức, thực sự là "Đối tác tin cậy của thế giới".