Mặc dù hội nhập ASEAN nói chung và AEC nói riêng, đã và đang diễn ra, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham luận tại Tọa đàm cho biết, thông tin về ASEAN/AEC với họ vẫn còn mơ hồ, nhất là những thông tin cụ thể về thị trường, cơ hội kinh doanh, các cơ chế hội nhập, hợp tác trong ASEAN cũng như với bên ngoài ASEAN… liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái - thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) phản ánh: Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa hiểu, chưa rõ hội nhập ASEAN/AEC cụ thể là như thế nào, ASEAN/AEC là cái gì, tiếp cận các thông tin về cơ chế hợp tác, hội nhập, cơ hội kinh doanh, thị trường, lợi ích, thách thức đối với họ từ AEC... ra sao?
AEC hướng tới là một thị trường chung, tiềm năng phát triển và hợp tác trong nội khối ASEAN mang lại là rất lớn, bởi số người tiêu dùng thị trường AEC lên đến hơn 600 triệu. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam đặt câu hỏi: Làm thế nào để hợp tác, khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nội khối mang lại, trong khi doanh nghiệp ASEAN có nhiều khối, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, qui mô… khác nhau? Thông tin về doanh nghiệp từng nước trong các ngành, nghề, lĩnh vực… mạnh về cái gì, cần liên kết hợp tác với nhau cái gì, nhu cầu thị trường mỗi nước ra sao, năng lực kinh doanh thế nào… các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu. Do vậy, ASEAN cần quan tâm cập nhật đầy đủ cho doanh nghiệp những thông tin vừa nêu, qua đó thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh giao dịch nội khối và mở rộng hợp tác ra bên ngoài.
Một CEO trẻ khởi nghiệp (start-up) cho hay, chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong các nước ASEAN không đồng đều. Các doanh nhân trẻ Việt Nam rất mong muốn nâng cao trình độ, năng lực trong mối tương quan với các quốc gia có trình độ nguồn nhân lực phát triển hơn trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề kết nối trong lĩnh vực này lại chưa được lan tỏa trong ASEAN. ASEAN cần có cơ chế (giả sử một quỹ nào đó) để thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm… giữa các thanh niên trẻ, các start-up trong ASEAN.
Đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN cho rằng, một trong những mục tiêu ASEAN hướng tới là lấy con người làm trung tâm. Tuy nhiên, hoạt động nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nhân trẻ còn mờ nhạt. Để doanh nhân trẻ ASEAN tiếp cận được các hệ thống huấn luyện, đào tạo, thúc đẩy hợp tác kinh doanh, tiếp cận tốt hơn các cơ hội của thị trường mang lại, rất cần có sự tương tác, kết nối sâu và hỗ trợ từ Ban Thư ký ASEAN thông qua các hoạt động hợp tác, tương tác với Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN.
Bà Hoàng Ngọc Anh, đến từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu trong khối ASEAN, đồng thời là thành viên Liên đoàn Dệt may ASEAN, Việt Nam đang tích cực phối hợp với 10 quốc gia thành viên khác thúc đẩy xuất khẩu mạnh hàng dệt may ASEAN ra thế giới. Trong khi vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài như Nhật bản, Hàn Quốc rất được coi trọng, Liên đoàn Dệt may ASEAN mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ASEAN về vấn đề này, cũng như mở rộng hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trao đổi tại cuộc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam - Nguyễn Quốc Dũng, cho biết: Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp, nâng cao năng lực hội nhập AEC hiệu quả… trong kỷ nguyên số là một nội dung ASEAN rất quan tâm. Phiên thảo luận này tổ chức nhằm cung cấp thông tin, tạo cơ hội tiếp cận, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về ASEAN/AEC, đồng thời lắng nghe những đề xuất từ doanh nghiệp để chuẩn bị các nội dung nghị sự có liên quan cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Các sáng kiến, đề xuất doanh nghiệp đưa ra tại Tọa đàm là rất chính đáng, Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ có những nỗ lực thúc đẩy ASEAN tiếp tục triển khai những ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: Hiện nay, ASEAN đã có những cơ chế, thỏa thuận thiết lập liên kết giữa các nền kinh tế nội khối và liên kết với bên ngoài, cũng như cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, nắm bắt thông tin, nhất là sử dụng cơ chế ABAC để tận dụng tối đa các cơ hội hỗ trợ hợp tác, kinh doanh, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Tổng Thư ký ASEAN - Lim Jock Hoi thì cho rằng, trong ABAC có đại diện của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ, nếu cộng đồng doanh nghiệp cùng Ban Thư ký ASEAN hợp tác làm thế nào tạo ra được một mạng lưới doanh nhân trẻ phát triển của ASEAN thì rất tốt. Ban Thư ký ASEAN ghi nhận đề xuất đó và sẽ liên hệ với Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN để trao đổi có cơ chế tương tác. Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực tích cực phối hợp với Chủ tịch ASEAN 2020 tới đây nhằm thúc đẩy kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong hội nhập AEC, khai thác hiệu quả các tiềm năng trong nội khối và mở rộng hợp tác ra bên ngoài.