Các chuyên gia và các nhà quan sát tin rằng một bước đột phá trong việc hoàn tất hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, sẽ cho thấy sự thành công của vai trò trung tâm ASEAN. Theo chương trình nghị sự, các bộ trưởng kinh tế ASEAN sẽ có phiên họp từ ngày 20-23/6 trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thái Lan.
Các cuộc đàm phán RCEP đã diễn ra trong 6 năm nay, việc hoàn tất các cuộc đàm phán hiệp định này vào cuối năm nay là một trong 13 nội dung kinh tế ưu tiên mà Thái Lan đặt ra với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2019. Việc hoàn thành hiệp hiệp định thương mại nằm bên cạnh các mục tiêu khác như hoàn thành hệ thống hải quan một cửa ASEAN và tuyên bố chuyển đổi tờ khai ASEAN sang Công nghiệp 4.0. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại Mỹ-Trung, tất cả 10 nước thành viên ASEAN đều lên tiếng ủng hộ việc hoàn thành đàm phán RCEP vào cuối năm nay.
Do xung đột thương mại giữa hai siêu cường kinh tế nên xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc đã bị thu hẹp trong năm qua. Trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc đã giảm 8,1%. Các lô hàng giảm mạnh đã dẫn đến thâm hụt thương mại 1,45 tỷ USD riêng trong tháng 4. Vì vậy, việc hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP sẽ cho phép Thái Lan mở rộng các thị trường xuất khẩu và giao dịch tự do với nhiều quốc gia hơn.
Mục tiêu hoàn tất đàm phán RCEP là ưu tiên kinh tế hàng đầu của Thái Lan với vai trò Chủ tịch ASEAN và cũng là thử thách khó khăn nhất với Thái Lan, mà nếu thành công thì đó cũng là thành tựu lớn nhất trong năm ASEAN 2019. Nếu các cuộc đàm phán thành công, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử. Tổng sản phẩm quốc nội của các thành viên RCEP chiếm 28% GDP toàn cầu và 30% giá trị thương mại thế giới.
Riêng Thái Lan, năm 2018, giá trị thương mại với các quốc gia RCEP lên tới 70 USD. Xuất khẩu của Thái Lan sang các nước RCEP hiện chiếm 58% tổng xuất khẩu của nước này. Khi Singapore là nước Chủ tịch ASEAN năm ngoái, có 7 trong số 20 chương của hiệp định RCEP đã được hoàn tất, đặt ra nhiệm vụ cho Thái Lan phải hoàn tất tới 13 chương còn lại. 6 tháng đầu năm 2019 đã trôi qua sau khi Thái Lan đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN nhưng vẫn không có một chương bổ sung nào được hoàn thành.
Tuy nhiên, tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong các chương khác nhau về các vấn đề như thương mại hàng hóa và dịch vụ, quy định cạnh tranh và đầu tư. Bộ Thương mại Thái Lan giải thích thêm rằng có nhiều chương khác nhau, trong đó các cuộc đàm phán đã gần hoàn tất nhưng một số quốc gia vẫn bảo lưu việc hoàn tất các chương này để làm đòn bẩy cho đàm phán các chương khác.
Cuộc bầu cử tại một số nước thành viên RCEP cũng đã trì hoãn tiến trình đàm phán thương mại trong 6 tháng đầu năm. Thái Lan và Indonesia đã tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 3 và tháng 4. Cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ được tổ chức theo bảy giai đoạn kéo dài từ ngày 11/4 đến 19/5. Cuộc bầu cử này có thể khiến nhiều thành viên RECP chờ đợi để đàm phán khi các chính phủ mới được bầu.
Trong khi đó, cũng có một số thành viên RCEP không có hiệp định thương mại tự do với nhau, như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự thiếu nền tảng này có nghĩa là việc thiết lập một cơ sở chung trên các chương khác nhau, chẳng hạn như các quy tắc xuất xứ đối với hàng xuất khẩu giữa các thành viên có thể cần nhiều thời gian hơn. Thái Lan đang dự kiến các cuộc đàm phán RCEP sẽ được hoàn thành vào tháng 11 với lễ ký kết hiệp định có thể sẽ được tổ chức vào năm 2020. Sau khi hiệp định thương mại được ký kết, mỗi quốc gia sau đó sẽ phải tiến hành phê chuẩn nội bộ nên hy vọng rằng RCEP sẽ được chính thức ban hành thực thi vào năm 2020. Bất chấp xu hướng gia tăng của chủ nghĩa song phương, ASEAN vẫn là khu vực phụ thuộc vào xuất khẩu, đi đầu trong thương mại tự do đa phương.
Việc thành lập RCEP vào cuối năm nay sẽ giúp Thái Lan - nước Chủ tịch ASEAN tìm được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và đối phó với các tác động tiêu cực của điều kiện thương mại không chắc chắn trong những năm tới.