"Hiến kế" hỗ trợ doanh nghiệp Việt phòng, tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế
Hình thức lừa đảo rất tinh vi phức tạp
Thông tin tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 11/2023 diễn ra với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế" cho thấy, trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Có thể thấy, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, "rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây" - ông Chiến cho hay.
Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 11/2023, diễn ra với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế" |
Trước tình hình các hình thức lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. Đồng thời, hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho hay: Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2023, Thương vụ có ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến các đòi, yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật.
Bà Quỳnh thông tin, vụ việc gia tăng có 2 yếu tố, thứ nhất, những năm gần đây Canada có chính sách nhập cư ồ ạt, khoảng 500.000 người/năm và đều trong độ tuổi lao động. Năm 2023 số người nhập cư và Canada tăng lên hơn 1 triệu người làm cơ cấu xã hội của Canada thay đổi. Tiếp đó, doanh nghiệp trong nước có xu hướng chủ quan trong tìm đối tác, đặc biệt khi thấy đối tác từ thị trường Canada có độ tin cậy cao nên sở hở trong tiếp cận và soạn thảo hợp đồng. Hình thức lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi phức tạp do có thể tiếp cận dễ dàng và giả mạo thông tin của doanh nghiệp Canada uy tín, thậm chí giả mạo cả con dấu của cơ quan chức năng nước sở tại.
Còn tại thị trường Italia, bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại thông tin: Tình trạng lừa đảo diễn ra nhiều hình thức, với cả xuất khẩu và nhập khẩu, thực tế Thương vụ đã hỗ trợ giải quyết nhiều vụ việc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Thảo cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác Italia thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác Italia không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác Italia không tuân thủ điều khoản.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia |
Ngoài ra còn thủ thuật lừa đảo khác là doanh nghiệp Italia nhập khẩu 1-2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ nhưng sau đó ký hợp đồng lớn hơn và chậm thanh toán, gây sức ép giảm giá. “Khi gian lận xảy ra, mặc dù có sự đồng hành của nhiều bên nhưng thiệt hại của doanh nghiệp rất lớn. Do vậy, doanh nghiệp cần lưu ý, chủ động phòng tránh rủi ro” - bà Dương Phương Thảo nhận định.
Theo đó, doanh nghiệp trước hết cần xác minh đối tác; soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, cần có điều khoản giám định hàng hoá trước khi giao hàng; yêu cầu đặt cọc ít nhất 15-20% tuỳ vào mức rủi ro của cảng đến và cảng trung chuyển; cân nhắc sử dụng công ty tư vấn chuyên ngành để đảm bảo an toàn trong giao dịch.
Chủ động cập nhật thông tin
Liên quan đến môi giới, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italia nhấn mạnh: Thời gian qua, vụ việc gian lận liên quan nhiều đến môi giới, do vậy khi ký hợp đồng với môi giới cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính của người mua và không nên sử dụng hợp đồng môi giới soạn sẵn hoặc bên môi giới cung cấp. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước nâng cao nghiệp vụ nhất là kiến thức về thương mại quốc tế. Trường hợp doanh nghiệp chưa đủ khả năng tìm nhân viên có kinh nghiệm nên thuê nhân viên theo thời vụ.
Trước tình hình này, bà Trần Thu Quỳnh cũng cho hay, trước tình trạng lừa đảo tăng nhanh, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã làm việc với ngân hàng và chính quyền sở tại ngăn chặn tình trạng làm giả con dấu tuy nhiên biện pháp chặt chẽ hơn từ tỉnh bang, liên bang về hành vi làm giả con dấu vẫn chưa hiệu quả.
“Do vậy, để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Thương vụ đề nghị doanh nghiệp khi nhận được những đề nghị kỳ lạ cần xác minh rõ ràng. Ngoài Thương vụ Việt Nam ở Canada, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán Canada tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để được hỗ trợ” - bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến nhận định: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại cũng như nhu cầu, thị hiếu để kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp thủy sản trong hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp thu ý kiến, yêu cầu, đề nghị của đại diện các hiệp hội ngành hàng, có kế hoạch hỗ trợ cho hiệp hội và doanh nghiệp hiệu quả; cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường và các đơn vị liên quan để cung cấp hiệp hội, doanh nghiệp tham khảo, đúc rút kinh nghiệm.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị |
Hai là, các Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với hệ thống thương vụ theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, chính sách thương mại, kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo bộ theo thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan, biện pháp, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu; hướng dẫn và hỗ trợ tối đa các hiệp hội, doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề tranh chấp thương mại, lừa đảo thương mại.
Ba là, Cục Xúc tiến thương mại tiếp thu và tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, tăng cường phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu và đánh giá đối tác để phát triển quan hệ đối tác ổn định, tin cậy.
Bốn là, đối với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần: Tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị của các đồng chí tham tán thương mại, cơ quan thương vụ tại nước ngoài lựa chọn các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp, thị trường phù hợp, khẩn trương lên kế hoạch triển khai và có thông tin với Bộ Công Thương, Thương vụ để phối hợp triển khai hoạt động hiệu quả, an toàn.
Cùng với đó, tiếp tục nắm bắt cập nhật tình hình sản xuất phục vụ xuất khẩu, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ về phát triển thị trường, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động làm việc với các cơ quan đối tác, hiệp hội ngành hàng nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại nếu có xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.