Giải bài toán đầu cơ, ‘thổi giá’ bất động sản
Có thể nói, đất đấu giá đang là phân khúc “nóng” nhất thị trường bất động sảnở thời điểm này. Theo lý giải của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, dòng tiền đang và sẽ có xu hướng "chảy mạnh" về loại hình đất đấu giá tại các khu đô thị, khu dân cư. Bởi đây là loại hình đất sạch, không dính đến tranh chấp kiện tụng, đã có sổ đỏ, hạ tầng, sẵn sàng xây nhà để kinh doanh, cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội gần như không có dự án mới, nguồn cung đất nền được dự báo cũng ngày càng khan hiếm khi Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cấm phân lô, bán nền tại 105 thành phố và thị xã, thì đất đấu giá lại ngày càng hấp dẫn.
Mới đây, dư luận đang rất xôn xao với hai phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức (Hà Nội). Nguyên do, số lượng hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá lớn trong khi thị trường đất nền nhìn chung vẫn còn trầm lắng. Thứ hai là mức trúng đấu giá quá cao, gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm. Bởi vậy, dư luận ngay lập tức đặt ra dấu hỏi có hay không tình trạng đầu cơ, thổi giá bất động sản nhằm trục lợi.
Đất đấu giá đang là phân khúc “nóng” nhất thị trường bất động sản ở thời điểm này. (Ảnh: Khôi Nguyên) |
Trước những diễn biến bất thường về tình trạng giá đất trong các phiên đấu giá ở trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, rất cần thiết phải khởi động lại dự án Luật Thuế bất động sản để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững và không xảy ra "bong bóng".
Như đã biết, việc xây dựng Luật Thuế bất động sản đã được đề xuất và đã được đưa ra bàn luận ở nhiều diễn đàn. Trước đó, trong nội dung gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bộ Tài chính cho biết, hiện vẫn đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật thuế bất động sản (trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống), đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.
Bộ Tài chính khẳng định, việc đề xuất xây dựng chính sách thuế bất động sản sẽ được nghiên cứu đánh giá kỹ khi dự án Luật được đưa vào chương trình và sẽ được gửi xin ý kiến rộng rãi các Bộ ngành, địa phương theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo Bộ Tài chính, dự kiến trình Luật Thuế bất động sản để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai Luật Thuế bất động sản là cần thiết để kiểm soát tình trạng “thổi giá”, đầu cơ đất. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn cho kinh tế - xã hội. Bởi trên thực tế, việc giá đất tăng đột biến không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn đe dọa đến sự ổn định của thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung. Và, nếu không cơ quan chức năng không có các biện pháp quản lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến bong bóng bất động sản. Bởi vậy, các chuyên gia bày tỏ quan điểm cần nhanh chóng triển khai để Luật sớm đi vào thực tiễn.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng để tạo ra sự công bằng và minh bạch trong việc đấu giá và sử dụng đất, cần thiết có một công cụ pháp lý cụ thể như Luật Thuế bất động sản.
"Việc thiếu một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh các hoạt động đấu giá đất là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng giá ảo. Tình trạng này không chỉ làm rối loạn thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô", ông Đính khẳng định.