EVFTA “cứu cánh” ngành gỗ trong thời điểm hiện tại
Xuất khẩu gỗ gặp khó
Theo các doanh nghiệp ngành gỗ, khó khăn lớn nhất của ngành gỗ hiện nay chính là nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chính trên thế giới đều suy giảm nhanh cho tất cả các nhóm hàng của ngành gỗ sản xuất trong nước. Đồng thời, đối với vốn vay ngân hàng thương mại các doanh nghiệp ngành gỗ khó được giải ngân vốn vay để thu mua, chuẩn bị nguyên vật liệu cho mùa hàng năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động, mặc dù doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Còn hạn mức vay vốn, nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị ngân hàng chuyển sang nợ xấu, chuyển nhóm nợ và vay lãi suất cao (không được hưởng các ưu đãi).
Nguyên nhân chính là doanh nghiệp hiện nay bị sụt giảm hoặc thiếu đơn hàng. Lãi suất vay vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn gần đây có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng vẫn đang ở mức rất cao làm tăng chi phí đi vay, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh…
Đơn hàng tụt giảm, doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước khó khăn vừa tìm kiếm đơn hàng vừa đảm bảo việc làm, phúc lợi cho người lao động...
Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, TP. Đà Nẵng) là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đi thị trường EU. Ông Huỳnh Trinh – Giám đốc Công ty cho biết do ảnh hưởng biến động thị trường thế giới, nhất là lạm phát tại Châu Âu, trong quý II/2023 tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn, chững lại, đơn hàng tụt giảm rõ rệt. "So với cùng kỳ năm 2022, trong quý II/2023 đơn hàng của công ty tụt giảm rõ rệt. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc làm và thu nhập cơ bản cho người lao động và nỗ lực xúc tiến tìm kiếm đơn hàng", ông Huỳnh Trinh cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Minh Thiện - Phó Chủ tịch Hiệp hộiGỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, 2023 là một năm khó khăn, thách thức nhất chưa từng có về đơn hàng, về nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ ở mức rấp thấp tại các thị trường xuất khẩu chính. Do khách hàng nước ngoài, nhà nhập khẩu còn lượng lớn hàng tồn kho, sự thay đổi chiến lược phân bổ rủi ro, đặt mẫu mới cho nhiều dòng hàng, nhiều mã hàng ở nhiều nhà sản xuất khác nhau, dùng cách thức ép giá hoặc sẵn sàng bỏ hàng, hủy đơn hàng của nhà sản xuất.
Các hiệp định thương mại giúp ngành gỗ vượt qua thử thách
Theo các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp ngành gỗ, từ cuối quý II/2023, tình hình lạm phát của các thị trường lớn có dấu hiệu giảm nhiệt, tiêu dùng có tín hiệu tăng trở lại, nhờ đó, tình hình đơn hàng xuất khẩu cũng có chiều hướng tăng.
Ông Huỳnh Trinh cho biết, nhờ tín hiệu tích cực của kinh tế EU cuối tháng 5/2023, doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại và bắt đầu tăng tốc để sản xuất. Đặc biệt, theo ông Trinh, một lợi thế vô cùng lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Vì vậy, khi tín hiệu thị trường xuất khẩu tích cực hơn, các nhà nhập khẩu ở thị trường EU luôn dành ưu tiên lựa chọn đối tác là doanh nghiệp xuất khẩu đến từ Việt Nam. "Chúng tôi đã có đơn hàng trở lại và đều đến từ thị trường EU (Đức, Hà Lan). Hiện doanh nghiệp đang chuẩn bị để bắt đầu tăng tốc sản xuất trở lại. Nếu duy trì được đơn hàng và tình hình lạc quan như hiện tại doanh nghiệp vẫn kịp về đích doanh thu theo như kế hoạch năm 2023 đã đặt ra", ông Trinh chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, EVFTA đang phát huy vai trò tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Ngoài giúp cải cách thể chế, tạo nền tảng cạnh tranh minh bạch, công bằng; thúc đẩy tăng thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - EU thì lợi thế hiện hữu nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trước mắt đó là thuế suất nhập khẩu ưu đãi từ các quốc gia thành viên của EU. Ngành gỗ hiện đang hưởng mức thuế suất nhập khẩu khá thấp từ EU, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0 ngay (đồ gỗ hiện có thuế suất 2,7-5,6%) hoặc về 0 trong vòng 5 năm (mặt hàng gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%), giúp duy trì sức cạnh tranh với các nước không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc,…
“Dự báo mùa hàng mới năm 2023-2024 của ngành gỗ tiếp tục khó khăn, bấp bênh, khó tính toán kế hoạch, mặc dù có thể lượng đơn hàng mới sẽ tăng lên vào cuối quý II và đầu quý III/2023”, ông Thiện nhận định và cho rằng: "Việc cần làm của doanh nghiệp hiện tại đó là cần tận dụng, khai thác tốt lợi thế mà EVFTA mang lại. Đối với ngành gỗ đó là phải chuẩn sản xuất, đáp ứng nguồn gốc xuất xứ về gỗ nguyên liệu, từ đó, tận dụng tối đa được hiệu quả mà EVFTA mang lại".
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định (FPA Bình Định) khuyến nghị: Để tận dụng lợi thế của các FTA như: Tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất kinh doanh cốt lõi, xây dựng lại chiến lược, mô hình kinh doanh như chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ nội thất, đẩy nhanh cấp mã REX cho doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định, tiêu chuẩn EU,… |