Đưa tinh dầu sả bay xa
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng
Sả Java là loại cây ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, đất khô cằn của huyện Mường La. Nhận thấy những đặc điểm đó, 2 - 3 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng sả Java để lấy tinh dầu. Đây là mô hình sản xuất khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Trồng sả làm tinh dầu giúp bà con thoát nghèo |
Do phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nên cây sả Java trồng trên địa bàn xã Pi Toong phát triển tốt và đang được nhân rộng, làm nguyên liệu cung cấp cho Hợp tác xã sản xuất, chiết xuất tinh dầu, dược liệu và nông lâm nghiệp Mường La (HTX Mường La). Các hộ đồng bào dân tộc tham gia trồng sả đã có thu nhập ổn định và cao hơn trồng ngô. Anh Lò Văn Thành, bản Chò, xã Pi Toong, huyện Mường La cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng ngô chỉ thu được 7 - 8 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển sang trồng sả, bình quân mỗi năm chúng tôi thu được 10 - 12 triệu đồng. Hơn nữa, trồng sả mang tính lâu dài hơn vì 3 - 4 năm mới phải trồng lại”.
Tìm đường xuất khẩu
Nhận thấy triển vọng từ trồng sả, tháng 8/2018, HTX Mường La đã vận động bà con tham gia HTX, chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sả Java. Với những thành viên chưa có vốn, HTX hỗ trợ 30 - 50% số tiền mua cây giống. HTX cũng tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả cho các hộ tham gia mô hình, ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho các hộ dân theo giá thị trường và cam kết tối thiểu không dưới 1 triệu đồng/tấn. Nhờ sự liên kết này, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động sản xuất tinh dầu, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vừa ổn định thu nhập của các thành viên.
Để sản xuất tinh dầu, HTX đã chủ động tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, xây lò chiết xuất tinh dầu, tìm kiếm thị trường và tiến tới đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu “Sả Java Mường La” trên thị trường. Đến nay, sản phẩm tinh dầu của HTX chủ yếu là tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu, giá bán dao động 150.000 – 250.000 đồng/chai tùy loại.
Hiện sản phẩm tinh dầu sả Java của Mường La đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và hướng đến xuất khẩu. Hợp tác xã cũng đã đăng ký và hướng dẫn các hộ đồng bào trồng cây sả Java theo chương trình OCOP. Thời gian tới, việc mở rộng vùng trồng sả và hướng đến các sản phẩm từ cây sả đang là chủ trương của huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Từ cây sả, Mường La sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm đặc trưng khác trở thành sản phẩm OCOP.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết, các sản phẩm OCOP phải là những sản phẩm mang đặc trưng của mỗi làng xã, mỗi địa phương. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mường La dự tính có ít nhất 2 - 3 sản phẩm mỗi năm để các nông hộ, nhóm hộ và HTX đăng ký theo hình thức đặc sản đối với địa phương và tinh dầu sả Java là sản phẩm điển hình.
Trồng sả và chiết xuất tinh dầu trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của HTX Mường La còn gặp không ít khó khăn. Đó là vùng trồng nguyên liệu đa số là đồi núi, khó đưa máy móc thiết bị vào sản xuất; người dân chủ yếu thu hoạch theo cách thức thủ công… Chính vì vậy, trước mắt, HTX mong muốn được hỗ trợ để mở rộng diện tích nhà xưởng và khu điều hành, đầu tư thêm trang thiết bị chiết xuất tinh dầu để đáp ứng hoạt động khi diện tích vùng nguyên liệu mở rộng.