Doanh nghiệp dệt may xúc tiến mở rộng thị phần tại Mỹ
Mới đây, 39 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia trưng bày hàng hóa tại không gian “Ho Chi Minh Pavillion” nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác tại Hội chợ Triển lãm dệt may và thời trang TexWorld, Mỹ. Đây là một trong những hội chợ triển lãm dệt may hàng đầu thế giới, nơi quy tụ, kết nối hàng trăm nhà cung cấp, thiết kế và khách hàng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Gặp gỡ đoàn doanh nghiệp tại Hội chợ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh, dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, do đó cần tăng cường tiếp cận, gặp gỡ các khách hàng tiềm năng, tìm hiểu và kịp thời nắm bắt những xu thế tiêu dùng và thời trang mới, đồng thời, chú trọng đổi mới sáng tạo, nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường khó tính như Mỹ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ. Nguồn: TTĐN |
Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở Mỹ, trong đó có Phái đoàn thường trực và các cơ quan Việt Nam tại New York để đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với thị trường sở tại. Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển mới cho ngành dệt may Việt Nam và tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước.
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu dệt may truyền thống và lớn của Việt Nam. Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tháng 6/2024 Việt Nam xuất khẩu 1,53 tỷ USD hàng dệt may đi Mỹ, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, đạt 7,39 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ, tương đương 220 triệu USD, dẫn đầu về kim ngạch trong số các thị trường xuất khẩu của ngành.
Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là với Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ. Việc kiểm soát để tránh nhập khẩu bông, sợi có nguồn gốc từ Tân Cương đang là thách thức rất lớn của ngành.
Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hồi phục rõ rệt: GDP điều chỉnh quý 1 ở Mỹ tăng 1,4% so với cùng kỳ; lạm phát tháng 5/2024 ở mức 3,3%, mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây; lãi suất của Mỹ trong kỳ họp ngày 13/6 giữ nguyên ở mức 5,25-5,5%; việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 6/2024 ở mức tăng 206.000 việc làm mới, tốt hơn mức kỳ vọng.
Điều này đã đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tại Mỹ nhích dần lên, ũy kế 5 tháng đầu năm đạt 40,8 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ, mức giảm này đã cải thiện so với quý 1/2024. Trong đó, hàng dệt sợi đạt 11,27 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng may mặc đạt 29,6 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, nhập khẩu hàng dệt may Mỹ ước đạt 100,5 tỷ USD, trong đó dệt sợi ước đạt 25,1 tỷ USD, may mặc đạt 75,3 tỷ USD.