4 tháng, cả nước xuất siêu 7,56 tỷ USD Đến nửa tháng 8, cả nước xuất siêu 1,39 tỷ USD Nửa cuối tháng 3, cán cân thương mại thặng dư 1,97 tỷ USD |
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 13,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 13,57 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 6 xuất siêu 130 triệu USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn |
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát và nhu cầu suy giảm chung trên thị trường thế giới. Điều này dẫn đến hàng hóa khó khăn trong tìm đầu ra.
Các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,9 tỷ USD, giảm 7%, so với cùng kỳ năm 2022; điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, giảm 18,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt gần 18 tỷ USD, giảm 7,1%; hàng dệt may đạt 14,1%, giảm 15,3%; giày dép đạt 8,9 tỷ USD, giảm 15,4%...
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,2 tỷ USD, giảm 11,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 17,8 tỷ USD, giảm 13,3%; vải đạt 5,87 tỷ USD, giảm 20%; sắt thép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 31,5%...
Nhằm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, việc đa dạng hóa thị trường thể hiện qua việc chúng ta đã đàm phán và ký kết các FTA. Hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Bộ Công Thương cũng đang xem xét triển khai các FTA mới như FTA với UAE. Đây là quốc gia có hoạt động thương mại rất sôi động ở khu vực Trung Đông và hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ để ta đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi.
Ở châu Mỹ, có một tổ chức gọi là Cộng đồng thị trường châu Mỹ (Mercosur) bao gồm 6 quốc gia tại Nam Mỹ. Đây là thị trường tiềm năng và Việt Nam đã có FTA với 1 số quốc gia trong khu vực này như CPTPP với sự tham gia của Chi Lê và Peru. Tuy nhiên Việt Nam chưa có FTA với cả khu vực, đặc biệt với các thị trường lớn như Brazil hay Mexico. Do đó các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh đàm phán để ký kết các FTA với khu vực này. Đây là các hướng ưu tiên để ta mở rộng và đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực có diện tích và dung lượng thị trường lớn như châu Phi, Nam Á với các quốc gia như Iran, Irắc, Afganistan, Pakistan… Đây là các khu vực thị trường mà chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu và đàm phán ký kết FTA.