Thứ ba 29/04/2025 13:18

Dành nhiều ưu tiên cho các dân tộc rất ít người

Với quyết tâm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển của nhóm DTTS ít người, dân tộc còn nhiều khó khăn với đồng bào các dân tộc khác, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã xây dựng Dự án số 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”.

Trong số 54 dân tộc của nước ta, có 16 dân tộc rất ít người (khoảng hơn 16.000 hộ), hiện đang sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Đồng bào dân tộc Chứt (huyện Minh Hoa, tỉnh Quảng Bình) vệ sinh thôn bản

Có dịp lên công tác tại các bản đồng bào dân tộc rất ít người như: người Cống, Mảng, La Hủ ở Lai Châu; người Phù Lá, Bố Y, Cờ Lao ở Hà Giang; người Chứt ở Hà Tĩnh; người Brâu ở Kon Tum… dễ dàng nhận thấy khoảng cách không nhỏ trong phát triển kinh tế - đời sống của các dân tộc này với các dân tộc phát triển khác.

Bên cạnh một bộ phận đồng bào rất ít người đã biết vận dụng các chính sách của Nhà nước để lao động, sản xuất, vẫn còn không ít những người đàn ông La Hủ đang tuổi lao động nhưng sáng say chiều xỉn; nhiều phụ nữ dân tộc Mảng sinh con khi mới 14 - 15 tuổi và sinh tới 4 -5 con; nhiều hộ gia đình người Chứt, người Brâu mòn mỏi vì hết gạo trợ cấp là đói… Đây đó vẫn còn những đứa trẻ con em dân tộc rất ít người bụng ỏng, đít beo vì suy dinh dưỡng; nhiều thầy cô vẫn phải chủ động khai sinh cho học sinh vì cha mẹ chỉ nhớ con sinh vào mùa nào trong năm; đến nay chữ nghĩa vẫn là cái gì đó xa xỉ với nhiều bà con dân tộc rất ít người…

Thực tế những năm qua, Nhà nước đã có không ít các chính sách dành cho các dân tộc ít người. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, sinh sống ở những địa bàn xa xôi, khó khăn… nên dẫu có nhiều cải thiện so với những năm trước, nhưng khoảng cách chênh lệch của nhóm các DTTS rất ít người với các dân tộc khác vẫn rất lớn.

Nhiều phụ nữ người dân tộc Mảng (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) vẫn lấy chồng rất sớm và sinh nhiều con

Đây chính là nguyên nhân để Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã xây dựng một dự án đầu tư (Dự án số 9) dành riêng cho nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Với dự án này, mục tiêu đặt ra là xóa đói nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS rất ít người; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản – nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người. Thực hiện được mục tiêu này cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh phên dậu.

Theo đó, dự án sẽ tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững người thiểu số Đan Lai; đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc – gia cầm cho hộ DTTS rất ít người và DTTS còn nhiều khó khăn; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi… Kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 ước tính khoảng gần 14.000 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí này cùng việc đầu tư đồng bộ cho các lĩnh vực như: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc… hy vọng rằng, khi Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 triển khai thực hiện – tư duy, cách thức sản xuất, đời sống của các dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn sẽ có những chuyển biến tích cực – từng bước nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới

Gia Lai tăng giá trị cho cà phê đặc sản

Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững

Từ chợ bản đến chuỗi siêu thị: Hành trình vươn xa của sản phẩm vùng dân tộc Bắc Giang

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh