Chuỗi sản xuất - xuất khẩu ngành gỗ bị ‘lung lay’ bởi bão số 3
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 24/9, tại Hà Nội.
Thiệt hại nặng nề
Theo ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thống kê nhanh của các địa phương cho thấy, tính đến ngày 23/9/2024, tổng số có 13 tỉnh thiệt hại về rừng với diện tích 169.588 ha (diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt); trong đó 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là TP.Hải Phòng 10.045ha; Lạng Sơn 19.729 ha; Bắc Giang 26.415 ha và Quảng Ninh 110.713 ha.
Một cánh rừng trồng bị bão số 3 đánh tan hoang ở Quảng Ninh. Ảnh: Hương Quỳnh. |
Không chỉ diện tích rừng trồng bị thiệt hại nghiêm trọng, các doanh nghiệp gỗ trong ngành cũng bị ảnh hưởng rất lớn về hệ thống hạ tầng, nhà xưởng và phần lớn các nhà máy nằm trong vùng bị ảnh hưởng của bão đều hoạt động trong lĩnh vực gỗ dán, dăm gỗ, viên nén.
Thống kê sơ bộ từ các Chi hội gỗ dán, dăm gỗ, viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp thuộc Chi hội gỗ dán thiệt hại 130 tỷ đồng do nhà xưởng bị hỏng, nguyên liệu/sản phẩm bị cuốn trôi, máy móc hỏng,… Chi hội Viên nén gỗ bị thiệt hại 70 tỷ đồng; Chi hộ Dăm gỗ thiệt hại trên 310 tỷ đồng do hỏng băng tải tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh); 17.000 tấn dăm đã bị cuốn trôi; 1.950ha rừng trồng của doanh nghiệp bị gãy đổ...
"Bão số 3 đã khiến khối lượng gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại lên đến 12 triệu m3; chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, giá cao, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu trong những năm tới. Các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc, ván dán bị thiệt hại tới máy móc, thiết bị, sản phẩm và cơ sở hạ tầng. Ước tính giá trị xuất khẩu dăm gỗ, viên nén và các loại ván năm 2024 có thể giảm khoảng 300 triệu USD", ông Lực thông tin.
Nhà xưởng của Công ty Cổ phần Bình Thuận, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh bị bão số 3 làm hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Quỳnh Hương. |
Ở góc độ địa phương, ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh - cho biết, cơn bão số 3 quét qua Quảng Ninh với sức gió giật cấp 17 đã thách thức mọi tính toán, mọi kịch bản ứng phó và đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp, ước con số thiệt hại lên đến 24.223 tỷ đồng.
Lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại do bão số 3, toàn tỉnh có 40.000ha rừng trồng thì đến nay chỉ còn khoảng 10.000ha nguyên vẹn, còn lại gãy đổ hết do bão. 8 công ty lâm nghiệp của tỉnh bị thiệt hại nặng nề, có những doanh nghiệp như Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên toàn bộ diện tích rừng không còn cây nào lành lặn; Công ty Lâm nghiệp Ba Chẽ chỉ còn 138ha rừng. Để có được diện tích rừng phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp phải mất 10 năm trồng chăm sóc và không biết đến bao giờ mới khôi phục được.
Điều ông Vũ Duy Văn lo lắng hơn là chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - xuất khẩu trong ngành gỗ của tỉnh Quảng Ninh có thể bị đứt gãy vì hệ thống hạ tầng của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cũng bị hư hỏng nặng do bão. 11/13 hệ thống vận chuyển dăm lên cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bị bão đánh tan nát, tàu cũng khó vào "ăn" dăm hơn nên hiện giá dăm đang giảm.
Bắc Giang cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 khá lớn. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, toàn tỉnh có 160.000ha rừng, trong đó có 102.000ha rừng trồng (diện tích rừng nguyên liệu là 80.000ha) nhưng đã có 40.000ha bị thiệt hại do bão số 3 (diện tích bị thiệt hại trên 70% lên tới 14.000ha).
Cần xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - đánh giá, với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Nguyên nhân bởi các diện tích bị gãy đổ do bão phải trồng lại rừng được 5-7 năm mới đủ điều kiện khai thác.
Cục Lâm nghiệp công bố số tiền quyên góp của cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ người dân và công nhân lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra |
Trước thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với ngành lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, Bộ và các địa phương sẽ sớm có các giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi diện tích rừng trồng đã bị thiệt hại.
Theo đó, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) lập hồ sơ để thanh lý rừng theo quy định; thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi. Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gãy. Vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng.
Đồng thời, rà soát lại các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng. Khẩn trương khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để đưa vào sản xuất. Chủ động chuẩn bị đủ khoảng 200 triệu cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cho từng loài cây và điều kiện lập địa cụ thể.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, Cục Lâm nghiệp cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất.
Tại Hội nghị, Cục Lâm nghiệp công bố số tiền quyên góp của cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ người dân và công nhân lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra là 1.560.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được các doanh nghiệp, hiệp hội trực tiếp hỗ cho người dân trồng rừng, công nhân các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do bão số 3 Yagi 1 triệu cây giống lâm nghiệp để sớm khôi phục lại sản xuất. |