Chuyển đổi số du lịch nông thôn mới: Tiềm năng còn bỏ ngỏ Nông thôn mới vùng dân tộc: Giữ bản sắc trong hiện đại hóa Mô hình chợ an toàn thực phẩm: Động lực cho nông thôn mới |
Chương trình OCOP: Đòn bẩy phát triển nông thôn
Từ khi được triển khai trên cả nước năm 2018, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành đòn bẩy quan trọng trong chiến lược xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững và toàn diện. Giai đoạn 2021–2025, chương trình được Chính phủ tái khởi động theo Quyết định 919/QĐ-TTg với kỳ vọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương và nâng cao thu nhập người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến cuối năm 2024, cả nước có trên 10.700 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đến từ 63 tỉnh, thành phố. Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với hơn 2.700 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, hoàn thành chỉ tiêu trước một năm so với kế hoạch đặt ra cho giai đoạn này.
Chị Nguyễn Thị Lệ, chủ cơ sở sản xuất miến dong Làng So (huyện Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của chúng tôi được hỗ trợ thiết kế bao bì, truy xuất nguồn gốc và quảng bá trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy mà doanh thu đã tăng gấp đôi sau 3 năm”.
![]() |
Tráng bánh làm miến dong bằng máy tại Làng So, xã Tân Hòa. Ảnh: Quang Thiện |
Tại Trà Vinh, tỉnh đã triển khai hàng loạt lớp tập huấn để hỗ trợ thanh niên, phụ nữ, đồng bào Khmer phát triển sản phẩm OCOP gắn với văn hóa bản địa. Các sản phẩm như rượu nếp truyền thống, bánh tét Trà Cuôn, mắm bò hóc… không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Ông Lê Văn Hùng, nông dân (xã Long Đức,Trà Vinh) cho biết: “Trước đây chỉ làm theo kiểu gia truyền trong làng, giờ nhờ có chương trình OCOP mà bà con có kiến thức sản xuất sạch, được Nhà nước hỗ trợ kiểm định chất lượng. Khách hàng ở tận TP.HCM vẫn đặt mua thường xuyên”.
Thương hiệu địa phương vươn xa, xây dựng nông thôn hiện đại
Một trong những điểm sáng nổi bật của OCOP là khả năng tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế cho sản phẩm nông thôn. Tại Triển lãm quốc tế VIETNAM OCOPEX tổ chức tháng 11/2024 tại Hưng Yên, hơn 150 doanh nghiệp và cơ sở OCOP tham gia đã trưng bày, giới thiệu trên 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu xanh và bền vững.
Bến Tre là điển hình thành công với sản phẩm dừa, từ kẹo, dầu dừa đến nước dừa đóng hộp. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Dừa Xanh Bến Tre, cho biết: “OCOP là bàn đạp để HTX vươn ra thị trường nước ngoài. Hiện chúng tôi xuất khẩu đi Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi tháng hơn 20 tấn hàng. Nếu không có chương trình OCOP, cơ sở nhỏ như chúng tôi rất khó được hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế”.
![]() |
Quy trình làm kẹo dừa Bến Tre. Ảnh: Mai Anh |
Tỉnh Nam Định cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 489 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm trong đó như gạo tám thơm Hải Hậu, nước mắm Sa Châu… đã tìm được đại lý tại châu Âu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Tại Nghệ An, chính quyền địa phương xác định OCOP là một chiến lược lâu dài để đưa đặc sản xứ Nghệ như cam Vinh, tương Nam Đàn lên sàn thương mại điện tử và vươn ra quốc tế. “Trước kia, chúng tôi chỉ bán cam trong vùng. Nhưng năm nay, nhờ gắn nhãn OCOP, chúng tôi đã xuất được hơn 1 tấn cam sang Singapore”, ông Hồ Văn Thái, nông dân xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An) chia sẻ.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là lời khẳng định về bản sắc, chất lượng và tiềm năng của sản phẩm địa phương Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhờ chương trình OCOP, nông dân không chỉ thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ mà còn từng bước tiếp cận được các chuẩn mực chất lượng quốc tế, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hiệu quả.
Để phát triển bền vững, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chuỗi giá trị OCOP, đồng thời nâng cao vai trò của người dân, HTX và doanh nghiệp nhỏ trong quá trình xây dựng thương hiệu. Khi mỗi sản phẩm nông thôn không chỉ giữ được bản sắc mà còn đáp ứng được nhu cầu thị trường quốc tế, thì chính là lúc nông thôn Việt Nam thật sự “hội nhập từ gốc rễ”. |