Chủ động, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh
Nguy cơ cao…
Việt Nam - Campuchia có chung biên giới trên bộ dài 1.137km với 10 tỉnh biên giới và vùng biển tiếp giáp. Gần 1,3 triệu người Khmer Nam Bộ ở nước ta có chung dân tộc, văn hóa, tôn giáo và thường xuyên có mối liên hệ giao lưu, gắn bó với người Khmer ở Campuchia. Số lượng đồng bào Khmer gốc Việt, Việt kiều và công dân Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở Campuchia cũng khá đông, nhu cầu đi lại thăm hỏi, giao lưu là không nhỏ…
Các địa phương cần chủ động hạn chế tổ chức lễ hội và thực hiện nghiêm quy định 5K |
Ngay khi việc qua lại biên giới được kiểm soát gắt gao do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Campuchia, một số đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Chỉ riêng trong tháng 4, nhiều vụ nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam đã được phát hiện, xử lý. Đáng lưu ý là, không ít các đối tượng nhập cảnh trái phép từ Campuchia về đã nhiễm COVID-19 - nguy cơ lây lan là không nhỏ, nếu không được phát hiện và cách ly kịp thời.
Trong nước, sau một thời gian dài không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân bắt đầu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nhiều người đã không đeo khẩu trang, không có thói quen thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Thêm vào đó, tháng 4, tháng 5 bắt đầu vào mùa du lịch nên nhu cầu đi chơi, tham gia sự kiện, lễ hội đông người ngày một tăng. Đây là cơ hội để dịch dễ dàng bùng phát nếu như trong cộng đồng có người bị nhiễm bệnh mà chưa được phát hiện. Một khi dịch lây lan trong cộng đồng thì hậu quả là khôn lường, thiệt hại khó có thể đong đếm.
… Và quyết tâm lớn
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là ở Campuchia và Lào – 2 nước có đường biên giới dài giáp với Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), BĐBP các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã điều động gần 300 cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho tuyến biên giới phía Tây Nam nhằm kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP Việt Nam thường xuyên phối hợp tuần tra, tổ chức các cuộc “gặp mặt hẹp” với lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giới để thống nhất triển khai thực hiện quy chế phối hợp, trong đó có công tác phối hợp phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với lực lượng biên phòng, các địa phương như: Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang… đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú trên địa bàn. Đặc biệt, đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát tất cả các đường mòn, lối mở, các cảng trên địa bàn để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Riêng tỉnh Long An đã lập 36 chốt tuần tra trên hơn 133km, kích hoạt lại các khu cách ly để sẵn sàng tiếp nhận thêm 1.000 người khi có nhu cầu. Tại Đồng Tháp, cùng với 21 chốt và 18 tổ kiểm tra lưu động, công tác vận động kiều bào không nhập cảnh, hỗ trợ kiều bào nhu yếu phẩm, thuốc để họ vượt qua khó khăn cũng đang được tăng cường. Với tỉnh Kiên Giang, địa phương này đã cấm triệt để việc qua lại biên giới để thăm hỏi, họp mặt nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmêy nhằm tránh nguy cơ lây dịch. Hướng tới mục tiêu xây dựng mỗi người dân là một pháo đài chống dịch, mới đây, 33.000 hộ dân sống dọc tuyến biên giới trên toàn tỉnh An Giang đã ký cam kết về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cũng như không vi phạm pháp luật về xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có liên tiếp hai công điện về tính cấp thiết phải chủ động, quyết liệt thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang; xem xét, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra”.