Cây tre giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc
Nguồn thu nhập của các hộ nghèo
Theo Vụ Phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích tre nứa ở Việt Nam ước tính khoảng 1,4 triệu héc-ta, chiếm 10,5% tổng diện tích rừng của cả nước. Đến nay, sản phẩm từ cây tre Việt đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhất là các nước thuộc Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, cây tre còn đóng góp tích cực trong việc chống xói mòn đất, giảm thiểu các tác nhân biến đổi khí hậu. Ngoài ra, rừng mây tre chủ yếu phân bố ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Đối tượng liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong chuỗi giá trị tre chủ yếu là người sản xuất quy mô nhỏ thuộc diện nghèo và các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Do vậy, việc phát triển ngành tre không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm tre nứa vẫn còn nhiều thách thức. Phần lớn các sản phẩm từ tre nứa là sản phẩm thô hoặc bán thành phẩm mới qua sơ chế với chất lượng và giá trị thấp. Hoạt động quản lý các chuỗi giá trị tre nứa còn chưa phát triển. Cơ chế, chính sách cho phát triển sản xuất bền vững của chuỗi giá trị tre ở Việt Nam mặc dù đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng chưa được thực thi đầy đủ và còn nhiều bất cập…
Trồng tre góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập |
Hướng đến chuỗi giá trị
Nhằm hỗ trợ cho cây tre Việt Nam phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre ở Việt Nam” đã được khởi động thực hiện từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2022 với mục tiêu là nâng cao thu nhập và năng lực tham gia của 15.000 nông dân sản xuất quy mô nhỏ và 40 doanh nghiệp chế biến tre vừa và nhỏ và các đối tác khác trong chuỗi giá trị tre theo hướng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là điều kiện tiên quyết để tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur – Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam – nhận định: Thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước và quốc tế.
TS. Phạm Văn Thắng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ khẳng định: Các thị trường quốc tế đòi hỏi cao, đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn góp phần vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.
Các thị trường mới cho tre được nghiên cứu và tiếp cận thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đối tác châu Âu như: Mạng lưới mây, tre quốc tế (Inbar), hiệp hội và mạng lưới các nhà bán lẻ quốc tế như Amzon, Morison… Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi.
Theo ông Đoàn Văn Thu – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, do có tới hơn 70% dân số tập trung tại các vùng sâu, vùng xa, sinh kế của người dân phụ thuộc rất lớn vào việc sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là các sản phẩm từ tre. Việc triển khai dự án sẽ góp phần thực hiện các chiến lược và mục tiêu của Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đặt ra đối với ngành này. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa.