Tín chỉ carbon: Lợi ích và đôi điều cân nhắc Phát triển thị trường tín chỉ carbon mang lại cơ hội lớn cho TP. Hồ Chí Minh |
Đây là thông tin được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”, do Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức, diễn ra sáng 16/8, tại TP. Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham dự Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”. Ảnh: Thanh Minh |
Sự kiện được tổ chức nhằm truyền thông đến cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon và sự cần thiết phải đào nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon.
Buổi tọa đàm được tổ chức theo 2 hình thức, trực tiếp tại Hội trường Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (TP. Hồ Chí Minh) và trực tuyến qua Zoom. Điểm cầu chính có sự tham dự của các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ban, ngành của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn - cho biết: Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021), việc trung hòa carbon sẽ dần là xu hướng và là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai để đảm bảo mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
TS. Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Thanh Minh |
Theo TS. Nguyễn Trung Đông, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính cũng như cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên xây dựng các chính sách thị trường carbon, cho phép các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon, phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giảm phát thải khí nhà kính có nhiều cách và nhiều cơ chế, có thể kể đến như hấp thụ hay giảm thải. Bên cạnh đó, mỗi loại cây, mỗi ngành, lĩnh vực hay thị trường tín chỉ carbon sẽ có những điểm khác biệt nhất định.
Do vậy, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải. “Với vai trò là cơ sở đào tạo, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn đã chủ động phối hợp với các đối tác uy tín như Tập đoàn Intertek và Công ty The VOS để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về tín chỉ carbon. Các khóa học này được thiết kế để trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng thực tế, giúp họ tự tin tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này” - TS. Nguyễn Trung Đông nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp cùng với các chia sẻ về thông tin tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon; chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường này…
Ông Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam, chuyên gia năng suất xanh của Tổ chức Năng suất châu Á. Ảnh: Thanh Minh |
Ông Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam, chuyên gia năng suất xanh của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) - đã chia sẻ và thông tin những điểm cốt lõi về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), cơ chế vận hành thị trường tín chỉ carbon...
Cơ chế CBAM được Liên minh châu Âu đưa vào là một quy định để đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Cơ chế này có tác động đến các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có hoạt động phát thải nhiều carbon.
Đáng chú ý, CBAM áp mức giá carbon lên hàng hóa nhập khẩu có lượng phát thải cao (bao gồm xi măng, nhôm, sắt thép, phân bón, hydro và điện). Quy định này hướng đến mục tiêu ngăn ngừa “rò rỉ carbon” và duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp EU đang chịu phí carbon theo hệ thống mua bán phát thải (ETS).
Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Công ty The TNHH Hệ sinh thái VOS Holding và Công ty Intertek Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực tín chỉ cacbon. Ảnh: Thanh Minh |
Ông Đặng Thanh Long cũng cho biết, 6 loại hàng hóa trên liên quan đến hơn 10.000 doanh nghiệp, là đầu vào trong ba lĩnh vực lớn là năng lượng, công nghiệp và hàng không tham gia thị trường EU theo hệ thống mua bán phát thải (ETS). Thời gian thực hiện ETS được áp dụng từ 2005, theo đó, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại châu Âu bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường.
Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, ông Đặng Thanh Long cho rằng, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp. Việc chủ động thực hiện các biện pháp tuân thủ rất cần thiết.
“Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ cacbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng” - ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh.
TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Thanh Minh |
Liên quan đến công tác đào tạo nguồn lực về tín chỉ carbon, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cho hay: Nhà trường đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế.
TS. Trần Minh Hải nhìn nhận, hiện nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn, chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon. Nhưng chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế.
Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050, theo cam kết tại COP26.
“Chính vì vậy, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải” - TS. Trần Minh Hải nói.