Thị trường carbon 2025: Doanh nghiệp cần làm gì? Trung Quốc mở rộng thị trường carbon sang thép, xi măng, nhôm Bàn giải pháp phát triển thị trường carbon Việt Nam |
Nhiều tiềm năng, lắm thách thức
Thị trường carbon còn khá mới tại Việt Nam, tại Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam diễn ra sáng 10/4, nhiều doanh nghiệp cho biết đã tham gia vào lĩnh vực này.
Bà Võ Hoàng Nga, Giám đốc ESG, TTC AgriS (Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa), cho hay doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu "net zero" từ cách đây khoảng 10 năm.
![]() |
Nhiều diễn giả trong và ngoài nước tham dự Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam. Ảnh: Thu Hường |
Các giải pháp doanh nghiệp áp dụng gồm: Sử dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng từ bã mía), tận dụng chất thải trong nông nghiệp để cải tạo đất, trồng rừng… Những giải pháp này giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu sử dụng 100% Biomass từ năm 2025, đến năm 2030 dự kiến giảm 5% lượng phát thải khí nhà kính.
Doanh nghiệp cũng đầu tư thực hiện các giải pháp nhằm triển khai dự án tín chỉ carbon Verra. Theo bà Võ Hoàng Nga, điểm thuận lợi khi thực hiện dự án này là doanh nghiệp đã có sẵn công nghệ sản xuất phân hữu cơ. Tuy nhiên, điểm bất lợi là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chí, phải áp dụng nhiều biện pháp thủ công trong thu gom chất thải, khiến chi phí tăng. Thêm vào đó, thời gian và chi phí để đăng ký dự án phát hành tín chỉ carbon kéo dài trung bình 2–3 năm, thậm chí có dự án kéo dài tới 4 năm.
Không chỉ vướng khi phê duyệt và triển khai dự án, tại diễn đàn, doanh nghiệp còn phản ánh nhiều “nút thắt” khác. Có doanh nghiệp đã phát hành được tín chỉ carbon nhưng không thể bán được, dù thị trường có nhu cầu lớn.
Một vấn đề khác, doanh nghiệp sản xuất mía đường tại Thanh Hóa đã thực hiện mua bán carbon giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, tuy nhiên khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào cho mô hình này. “Ngay khi xin cấp phép triển khai dự án, cơ quan chức năng đã rất lúng túng, bởi chưa có quy định cụ thể nào co lĩnh vực này”, đại diện doanh nghiệp sản xuất mía đường thông tin.
Từ góc độ minh bạch thông tin, đại diện đơn vị kiểm toán đặt vấn đề, độ chính xác của thông tin về tín chỉ carbon mà doanh nghiệp đưa ra ở mức nào? Làm thế nào để kiểm chứng, đảm bảo tính minh bạch và công bằng cũng là yếu tố cần giải quyết nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp.
Thực tế, những vấn đề doanh nghiệp nêu ra chỉ là phần nhỏ trong vô vàn khó khăn khi triển khai dự án tín chỉ carbon, chưa kể đến việc chính thức tham gia thị trường này.
Trước những rào cản trên, các doanh nghiệp đồng thuận rằng cần có khung chính sách hoàn chỉnh để hỗ trợ việc tham gia và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Cần khung chính sách hoàn thiện
Cũng cho rằng một khung chính sách hoàn chỉnh là điều kiện tiên quyết để xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon, bà Phạm Liên Anh - Trưởng nhóm Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, Khu vực Mekong, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chia sẻ kết quả nghiên cứu từ 240 doanh nghiệp trong 4 nhóm ngành: Sản xuất lúa gạo, F&B (chủ yếu là thực phẩm), chăn nuôi, quản lý chất thải.
![]() |
Các đại diện chủ trì phiên thảo luận tại Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam. Ảnh: Hải Linh |
Khảo sát tập trung đánh giá năng lực doanh nghiệp ở các khía cạnh: Kiểm kê khí nhà kính (MRV), giảm nhẹ phát thải, nhận thức về thị trường carbon và mức độ số hóa MRV.
Theo bà Phạm Liên Anh, hầu hết doanh nghiệp đều nhận thấy việc giảm phát thải khí nhà kính là cơ hội để tạo nguồn thu từ thị trường carbon. Tuy nhiên, thách thức lớn lại nằm ở khoảng trống về kiến thức: Thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn và cơ chế tín chỉ carbon, khó khăn trong việc tiếp cận yêu cầu về số liệu, thủ tục đăng ký dự án, thiếu đào tạo và hướng dẫn cụ thể theo từng ngành nghề.
Từ kết quả khảo sát, đại diện IFC khuyến nghị, cần xây dựng chính sách rõ ràng, khung pháp lý thuận lợi cho giao dịch carbon; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thị trường, bao gồm thiết lập hệ thống số hóa kiểm kê khí nhà kính, đẩy mạnh truyền thông và xây dựng các dự án điển hình.
Thông tin về cơ sở pháp lý cho phát triển thị trường carbon, tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Minh- Trưởng phòng Thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu, trong Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, có lộ trình xây dựng và phát triển thị trường này.
Theo đó, giai đoạn 2025 - 2028 là giai đoạn chuẩn bị và thí điểm. Các cơ quan chức năng sẽ xây dựng khung pháp lý cho giao dịch hạn ngạch carbon, tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch carbon thí điểm. Đồng thời, thiết lập hạ tầng vận hành thị trường, nâng cao năng lực cơ quan quản lý và nhận thức của doanh nghiệp, cá nhân.
Giai đoạn từ 2028 trở đi, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ chính thức vận hành. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý và hạ tầng, nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, cũng như nhận thức của các bên tham gia để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển sâu hơn.
Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam thu hút sự quan tâm của diễn giả trong và ngoài nước, đặc biệt có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn đưa ra và thảo luận nhiều vấn đề liên quan nhằm phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. |