Phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon Thị trường carbon 2025: Doanh nghiệp cần làm gì? Trung Quốc mở rộng thị trường carbon sang thép, xi măng, nhôm |
Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Cơ quan Hợp tác phát triển - Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phối hợp tổ chức.
Sự kiện nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, xây dựng và phát triển thị trường carbon là bước đi chiến lược của Việt Nam.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam. Ảnh: Việt Nga |
Sự phát triển của thị trường carbon không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát lượng phát thải, mà còn nhằm tạo cơ chế giúp doanh nghiệp và tổ chức có thể mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon hiệu quả.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu phát thải để hưởng lợi từ chính sách trao đổi tín chỉ carbon, thúc đẩy việc đầu tư vào công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/1/2025 về việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam, lộ trình thị trường carbon Việt Nam được chia thành ba giai đoạn: Trước tháng 6/2025, xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 vận hành thí điểm; từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, các biện pháp bắt buộc đơn thuần sẽ không đủ đáp ứng. Việc thành lập thị trường carbon tự nguyện (VCM) sẽ góp phần thúc đẩy áp dụng các biện pháp giảm phát thải carbon trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, thúc đẩy sự tham gia tự nguyện của khu vực tư nhân có thể hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ nỗ lực đạt được các cam kết.
Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam 2025 kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin về các vấn đề liên quan đến thị trường carbon, giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm rõ cơ chế, chính sách, lộ trình thiết lập và vận hành thị trường, từ đó doanh nghiệp khu vực tư nhân có những bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Đồng thời, cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thực tiễn, đa chiều, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách, đảm bảo hiệu quả cao khi thực thi chính sách.
Diễn đàn có sự trao đổi thông tin của lãnh đạo Cục Biển đối khí hậu và đại diện các cục, vụ chuyên trách về thị trường carbon của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cùng đại diện các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, ngân hàng, bên tư vấn cung cấp dịch vụ, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đang quan tâm, muốn tham gia vào thị trường carbon.
Tại Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu và Tổ chức Tài chính Quốc tế phối hợp công bố báo cáo kết quả khảo sát đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon của khu vực tư nhân Việt Nam ở bốn ngành trọng điểm: Sản xuất lúa gạo; sản xuất thực phẩm và đồ uống; chăn nuôi; quản lý chất thải. |