Thứ bảy 23/11/2024 10:35
Lỗ hổng thương mại điện tử xuyên biên giới và góc nhìn chủ quyền quốc gia:

Bài 2: “Chảy máu” tỷ đô từ những nền tảng xuyên biên giới

Suốt thời gian dài, thương mại điện tử trở thành "miếng bánh màu mỡ" cho các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam, song việc thu thuế vẫn không ít gian nan.

“Miếng bánh” bạc tỷ còn đó những vị đắng

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh khoảng 30-35%. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam" của Amazon công bố cho thấy: Doanh thu bán lẻ xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam quả thật là có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu cùng đã kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến, nhờ đó mà thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng cũng trở nên phổ biến và phát triển hơn cả.

Điều đáng buồn, dù đã gặt hái lớn tại thị trường Việt Nam song một số nhà cung cấp lớn như Google, Facebook, Youtube… lại chưa ứng xử “đẹp” với nước chủ nhà khi để xảy ra hàng loạt bất cập, hạn chế… Một trong những số đó là việc chậm kê khai, thực hiện các nghĩa vụ thuế, thậm chí cố tình tìm mọi thủ đoạn để trốn thuế, làm tổn hại cho ngân sách quốc gia, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động, đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thuế.

Các nền tảng xuyên biên giới như Google đã gặt hái được số tiền khổng lồ từ các dịch vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử

Cụ thể, đối với lĩnh vực quảng cáo, Báo cáo xu hướng marketing số Việt Nam năm 2021 cho thấy quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021, 2022 mức doanh thu này sẽ đạt trên 955 triệu USD.

Số liệu thị trường quảng cáo trực tuyến của Adsota cũng cho thấy mức chi cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến tăng đều mỗi năm tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2019 là 22,5%, đến năm 2020 tăng lên 23,4% và dự kiến, con số này lần lượt trong các năm 2021, 2022 là 24,2% và 24,7%. Ngoài ra, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức xấp xỉ 400 triệu USD, tăng gần 116 triệu USD so với năm 2019. Song, thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy có đến 80% doanh thu từ quảng cáo trực tuyến rơi vào Google, Facebook, Netflix, Youtube…

Riêng nền tảng xem phim trực tuyến Netflix hiện đã đặt trụ sở tại hơn 190 quốc gia. Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam và hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm. Báo cáo còn cho thấy, doanh thu quý II/2021 đạt 7,34 tỷ USD tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Miếng bánh “màu mỡ” là vậy nhưng thống kê cũng cho thấy chỉ có khoảng 45% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 30% trên Facebook thông qua doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo hợp pháp tại Việt Nam. Còn lại, khoảng 55% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 70% doanh thu quảng cáo trên Facebook do các khách hàng tại Việt Nam tự liên hệ với hai nền tảng trên.

Facebook cũng là nền tảng xuyên biên giới có được doanh thu khủng trong lĩnh vực thương mại điện tử

Đánh giá của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho thấy, dù “đút túi” hàng tỷ đô mỗi năm, song các nền tảng xuyên biên giới dường như vẫn tự cho mình tư thế ở “ngoài vòng pháp luật” khi chỉ đóng thuế nhỏ giọt và tận dụng mọi kẽ hở để né thuế. Việc này đã tạo ra những bất công khi các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ước tính, trong năm 2021, số thu thuế từ các dịch vụ quảng cáo trực tuyến như: Google, YouTube, Facebook... đạt 1.591 tỷ đồng, quý I/2022 đạt 240 tỷ đồng. Con số này chẳng khác nào “muối bỏ bể” khi so với 15 tập đoàn công nghệ xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam với doanh thu hàng tỷ USD/năm.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chínhđã triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để kê khai nộp thuế. Đánh giá về cách thức quản lý thuế đối với Google, Facebook, Youtube… hoàn toàn mới này, ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: Cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là một phương thức quản lý thuế mới, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu như trước đây, thông qua cơ chế thu thuế nhà thầu nước ngoài, các nhà cung cấp hoạt động xuyên biên giới phải ủy quyền cho các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho họ, thì với sự ra đời của cổng này, cho dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, các nhà cung cấp vẫn có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch nhất.

Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp, mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, đồng thời khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam khẳng định chủ quyền đất nước, thể hiện được tiếng nói chủ động của mình đối với các nền tảng số. Nếu các nền tảng số vẫn tiếp tục vi phạm, Việt Nam sẽ tiếp tục có những chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý. Hiện Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin.

Thất thoát gần 350 triệu đô vì nạn “ăn cắp bản quyền” trên các nền tảng số

Không chỉ có thất thu thuế, theo đánh giá chính sự xuất hiện của hàng loạt nền tảng trực tuyến, xuyên biên giới nên việc kiểm soát thông tin, hình ảnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi và uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung. Đánh giá cũng cho thấy chính vì việc vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng tinh vi nên tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Mới đây, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội Hội thảo chuyên đề về vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam. Tại hội thảo, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tư cho biết: Trong thời gian vừa qua, Cục đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về vi phạm nhãn mác, phim ảnh… Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che dấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới thông qua các nền tảng (không loại trừ Google, Facebook, Youtube…) đến từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Chia sẻ về thực trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam cho biết, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng truyền thông, gây thiệt hại cho chủ sở hữu.

Nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng, trên các website, ứng dụng OTT trong đó, có các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch...

Các nền tảng xuyên biên giới đã rất nhiều lần bị các cơ quan chức năng, báo chí của Việt Nam phản ánh về tình trạng vi phạm bản quyền, quảng cáo sai sự thật

Trong khi đó, báo cáo của Media Partners Asia (MPA - nhà cung cấp độc lập hàng đầu về các dịch vụ nghiên cứu, tư vấn và tư vấn trên các lĩnh vực truyền thông và viễn thông ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cho thấy ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (SVOD) chiếm 85%.

Thị trường liên tục tăng trưởng đang tỷ lệ thuận với tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến (trong đó có video thực hiện quảng cáo sản phẩm) đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nếu kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp gia tăng giá trị thương mại nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027 so với con số hiện tại ước tính là 75 triệu USD.

Đồng thời, nếu kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay.

Có thể thấy, các nền tảng thương mại điện tử đã và đang gặt hái được nguồn lợi khổng lồ, song nó cũng mang lại không ít hệ lụy. Đánh giá về nguyên nhân này, tiến sỹ, luật sư Lê Ngọc Khánh Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng chính sách về quản lý thương mại điện tử tại Việt Nam đang tồn tại nhiều “lỗ hổng”. Trong đó, có sự xuất hiện nhiều mô hình thương mại điện tử đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Còn nữa...

Nhóm PV
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Thương mại điện tử là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Tổng cục Hải quan cảnh báo các chiêu trò trốn thuế trong nhập khẩu thép

Sự kiện thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam

Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ: Thương mại song phương tăng gấp 2-3 lần

256 gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Toyar và Realsee hợp tác chiến lược đột phá, tiên phong số hóa không gian tại Việt Nam qua nền tảng Fidovn

Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải kết nối thị trường Mỹ