Loạt fanpage lợi dụng thảm họa để tung tin giả
Trong thời đại công nghệ phát triển, thông tin được lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội, website và các nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại, nhiều cá nhân và tổ chức đã lợi dụng điều này để tung tin giả với mục đích trục lợi, đặc biệt để nhằm kinh doanh hàng hóa kém chất lượng.
Phản ánh tới Báo Công Thương, chị Nguyễn Tú Anh (trú tại phường 22, quận Bình Thạnh) cũng cho biết, mình từng là nạn nhân của những chiêu trò lợi dụng thảm họa, quảng cáo và bán hàng hóa kém chất lượng.
“Tôi đặt mua nước hoa để sử dụng, thấy một fanpage trên mạng xã hội Facebook quảng cáo là công ty làm ăn phá sản, phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Thấy rẻ và thương tâm nên tôi đã mua, nhưng khi nhận hàng lại là hàng giả mạo. Thông tin phá sản của doanh nghiệp trên cũng hoàn toàn là chiêu trò câu view của người bán hàng”, chị Tú Anh nói.
![]() |
Các chiêu trò quảng cáo thường nhắm đến lợi dụng các thảm họa, tung tin sai sự thật qua đó lấy lòng thương của người tiêu dùng để bán hàng. |
“Tôi thấy họ quảng cáo là doanh nghiệp đó bị cháy kho hàng, buộc phải bán tháo sản phẩm để trả lương cho công nhân. Một phần vì thấy mặt hàng này là thương hiệu lớn, giá lại rẻ, một phần thấy thương các công nhân nên tôi đã tin tưởng đặt mua. Nhưng khi nhận được hàng lại khác xa quảng cáo, lúc này tôi mới biết mình mua phải hàng giả mạo thương hiệu”, chị Nguyễn Thị Hà (phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức) cho biết.
![]() |
Người tiêu dùng rơi vào ma trận tin giả của các đối tượng xấu. |
Việc các fanpage lợi dụng để quảng cáo sai sự thật sau đó bán hàng giả khiến người mua hàng bị lừa bởi những thông tin trên, dẫn đến việc bỏ tiền mua phải sản phẩm kém chất lượng, không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, các quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường, khó phân biệt được đâu là sản phẩm thật, đâu là lừa đảo. Không những vậy, những doanh nghiệp làm ăn uy tín bị các đối tượng giả mạo cũng chịu ảnh hưởng vì khách hàng e dè khi mua sắm, làm suy giảm doanh số và gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Anh Phan Quang Cường (chủ trang Facebook “Hoshi Phan” có hơn 4,4 triệu lượt theo dõi) là nạn nhân vì bị các đối tượng mạo danh mình để bán hàng.
“Gần đây Hoshi nhận được nhiều tin nhắn hỏi về việc có phải mình đang bán máy xay và 1 số sản phẩm tại những bài viết như vậy không? Xin thông báo là hiện tại Hoshi Phan không bán "cối xay máy" nào và cũng không có bất kỳ sự hợp tác đại diện với nhãn hàng đồ dùng bếp nào như hình bên dưới hết ạ. Cả nhà hãy cẩn thận với những thông tin không chính xác và mạo danh cắt ghép hình ảnh này nhé!”, anh Cường cho biết.
Anh Cường chia sẻ thêm, phía công ty anh đã và đang phối hợp với các đơn vị quản lý mạng xã hội xử lý nhiều kênh giả mạo.
![]() |
Anh Cường chia sẻ thêm, phía công ty anh đã và đang phối hợp với các đơn vị quản lý mạng xã hội xử lý nhiều kênh giả mạo. |
Có thể xử lý về 2 hành vi
Liên quan đến những hành vi này, trả lời phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Lê Đức Thắng, Văn phòng Luật sư Lê và đồng sự cho biết, trong trường hợp này nếu phát hiện ra đối tượng, tùy vào mức độ của sự việc, nhưng rất có thể các đối tượng sẽ bị xử lý về 2 hành vi liên quan đến tung tin giả và bán hàng giả.
“Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc”, Luật sư Thắng cho biết.
Ngoài ra, nếu phát hiện các đối tượng lợi dụng việc trên để bán hàng giả nói chung, tùy với tính chất mức độ vi phạm, người bán hàng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại các Điều 9, Điều 11, Điều 13 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật về số lượng hoặc giá trị thu lợi bất hợp pháp từ hàng giả thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền. Số tiền khoảng từ 300 nghìn đồng đến 70 triệu đồng.
Ngoài ra, việc buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề,... và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hay buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường,...
“Về xử lý hình sự, căn cứ vào các Điều 192, 193, 194 và 195 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) người thực hiện hành vi bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về một trong các tội (tùy thuộc vào mặt hàng giả đã bán), mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù”, Luật sư Thắng cho biết thêm.
Tung tin giả để bán hàng kém chất lượng là hành vi gian lận, gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng và thị trường. Để bảo vệ bản thân, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước những chiêu trò quảng cáo sai sự thật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý những hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. |