Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt: Cần sự đồng hành của 3 nhà |
Đây là chia sẻ của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua tại hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt", do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiều 10/12, tại Sóc Trăng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.
Gạo Việt đã bước vào thị trường cao cấp của thế giới
Nói về viễn cảnh gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu thì 10 năm tới sẽ như thế nào, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua nhìn nhận, theo kinh nghiệm từ xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng của thế giới như ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia thì "mình chưa làm được (thương hiệu), và có làm cũng chưa tới đâu".
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Quang Định |
"Nhìn ra những quốc gia xây dựng thương hiệu thành công nhất thế giới, Ấn Độ tập trung cho giống Basmati, Thái Lan có Hom Mali, tức là họ tập trung cho một giống. Sau khi tập trung cho một giống thì luôn luôn có tiêu chuẩn độ thuần. Trong 10 năm tới, Việt Nam tiến tới đâu cũng phải tuân theo luật chơi của quốc tế, không thể làm khác", ông Cua trình bày quan điểm.
Theo ông Hồ Quang Cua, độ thơm là tinh túy của gạo, các nước đều chọn độ thơm làm thương hiệu. Bước kế tiếp luôn luôn là độ thuần, còn tiêu chí về gạo trắng, độ ẩm là bình thường.
Còn ở Việt Nam, xâm nhiễm hóa chất quá nhiều do vấn đề thâm canh, vì vậy trong vấn đề xây dựng thương hiệu ở Việt Nam, ngoài tiêu chuẩn độ thuần, cần hạn chế hóa chất để gạo có hương vị tự nhiên (giảm thuốc hóa học bằng thuốc hữu cơ, giảm phân hóa học bằng phân sinh học), tránh lúa chín thời điểm mưa dầm hoặc nắng quá gắt thì sẽ giữ được độ thơm.
"Chúng tôi rất mừng là năm nay, khi chúng ta bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp và người dân từng bước yêu cầu và hỗ trợ qua lại lẫn nhau để cùng nâng cấp chất lượng sản phẩm. Đó là yếu tố cho chúng ta tiến bước lên", ông Hồ Quang Cua góp ý.
Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua - Ảnh: Quang Định |
Về việc này, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An lại có góc nhìn khác, Việt Nam nói và làm thương hiệu gạo từ lâu. Hiện tại nếu nói chưa có, chưa thành công thì không hẳn đúng.
Hiện tại Philippines mỗi năm nhập khẩu của Việt Nam vài chục ngàn tấn gạo. "Cuối năm 2023 có sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, làm giá gạo lên. Nhưng giờ Ấn Độ xả lệnh cấm và bán giá rất rẻ, vì sao Philippines không mua của Ấn Độ mà mua của Việt Nam? Đó là vì họ có lòng tin vào gạo Việt Nam", ông Bình nhận định.
Vì vậy, theo ông Bình, xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam, ông Bình kể từ năm 2010 đến năm 2014, ông và ông Hồ Quang Cua "như hình với bóng" trong vấn đề xây dựng gạo ST để lan tỏa trên thế giới.
Theo ông Bình, Việt Nam của chúng ta tại sao ST25 vang lừng trên thế giới, dù sản lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng có thể lấy xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Khi chúng ta có gạo ngon nhất thế giới là thương hiệu quốc gia, các loại gạo khác cũng được hưởng lợi theo. Việt Nam nên lấy gạo ST25 làm giống lúa tiêu biểu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu nên từ đồng ruộng tới bàn ăn, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không xây dựng chuẩn chỉnh, gạo có ngon nhất thế giới mà bị trả về hàng trăm container thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng.
“Xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng cả chuỗi từ khâu giống, tới đồng ruộng, sản xuất và chế biến. Chúng ta xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng thì lúc đó xây dựng thương hiệu sẽ thành công", ông Bình nói.
Đề xuất 6 giải pháp để khắc phục và xây dựng thương hiệu gạo Việt
Ở góc độ địa phương, ông Vương Quốc Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – chia sẻ, trong những năm gần đây Sóc Trăng đã có chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngành lúa gạo được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ngành lúa gạo từng bước đi vào chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Điểm nổi bật là tỉ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng "gạo ngon nhất thế giới" qua các kỳ dự thi quốc tế.
Ông Vương Quốc Nam cho rằng hiện áp lực cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng lớn đối với ngành hàng lúa gạo. Nhiều nước trong khu vực có lợi thế về lúa gạo cũng đang dần mở cửa trở lại sau một thời gian hạn chế xuất khẩu.
Thị hiếu tiêu dùng một số thị trường truyền thống cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều nước và người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm lúa gạo ngon, nhiều dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn yêu cầu sản xuất ra hạt gạo phải thân thiện với môi trường. Điều đó cho thấy ngành lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước thử thách và cơ hội đan xen.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho biết: ngành lúa gạo Việt đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được tổ chức lương thực thế giới (PAO) xếp là quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Vụ lúa gạo 2024, cả nước có 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha, và sản lượng 43,4 triệu tấn. 10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Philippines tăng 59,1%, sang Indonesia 20,2% và Malaysia tăng 2,2 lần. Vai trò của thương hiệu trong phát triển ngành gạo là yếu tố gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là các thương hiệu như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua. Trong đó, gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".
Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.
"Cần nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu; phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng; đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo; đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu", ông Hòa nêu 6 giải pháp để khắc phục và xây dựng thương hiệu gạo Việt.