Tạo đà cho công nghiệp ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ phát triển Ngành công nghiệp ô tô: Tăng tỉ lệ nội địa hoá, đẩy mạnh liên kết |
Mới đây, Bộ Công Thương đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Để ngành ô tô Việt Nam phát triển, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cấp thiết. |
Mục tiêu đề ra tỷ lệ nội địa hóa xe 9 chỗ còn thấp
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Cụ thể, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam mới chủ yếu là các phụ tùng với công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Những linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Cục Công nghiệp cũng nhận định, hiện tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Chính vì thế, ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam được nhận định vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Cần thiết xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô
Lý giải về sự cần thiết xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương cho biết, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phệ duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014.
Nội dung chính của chiến lược là phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.
Theo đó, các nhóm sản phẩm ưu tiên gồm xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chở người đến 9 chỗ, xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc…
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã đưa ra các chính sách rất cụ thể để hỗ trợ cho sản xuất trong nước như ưu đãi thuế nhập khẩu cho linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (Nghị định số 101/2021/NĐ-CP), giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước… Nhờ đó, giai đoạn 2014 - 2021, ngành công nghiệp ô tô đạt được một số kết quả nhất định.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng đã có những định hướng phù hợp trong việc phát triển các dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…). Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có chính sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin; chưa có lộ trình cụ thể cho việc phát triển các dòng xe điện hóa khác tại Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về quy mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Quy mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước qua đó cũng đã có khác nhiều so với trước đây.
Nhìn lại thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô thế giới đang thay đổi mạnh mẽ cả về công nghệ sản xuất, chủng loại sản phẩm và mẫu mã tạo sản phẩm. Ngoài ra, các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan có ngành ô tô phát triển rất ấn tượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị. Nguy cơ xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần tại thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi nếu như không có những cơ chế chính sách phù hợp.
Tại Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, nêu rõ: Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế.
Hiện, vẫn còn nhiều khó khăn tác động đến ngành công nghiệp ô tô trong nước. Do vậy, để ngành sản xuất ô tô Việt Nam phát triển tốt, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “hết sức cấp thiết và có ý nghĩa cả về thực tiễn và khoa học”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng đề cương chiến lược. Dự kiến đến tháng 6 tới sẽ hoàn thiện dự thảo lần 1, sau đó tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt. |