Vùng Đồng bằng sông Hồng: Nhà đầu tư ngoại quan tâm lĩnh vực nào?
Đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư sau vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng đang được đánh giá là điểm đến nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn cơ hội gia tăng thu hút đầu tư nếu tập trung thúc đẩy liên kết vùng.
Quy tụ nhiều tập đoàn toàn cầu
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 2/2023, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã thu hút được 133,51 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 30,32% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được. Với kết quả trên, ĐBSH là vùng đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, sau Đông Nam bộ. Trong đó, địa phương thu hút FDI dẫn đầu trong khu vực Đồng bằng sông Hồng là TP. Hà Nội, với 38,85 tỷ USD. Ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc cũng là một trong những điểm sáng trong thu hút FDI cả nước. Những tập đoàn toàn cầu tiêu biểu như: Samsung, Canon, LG, Piaggio, Toyota, Foxconn…
Tập đoàn Samsung liên tục rót vốn vào nhà máy tại Thái Nguyên |
Tại hội nghị phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực vùng ĐBSH vừa diễn ra vào tháng 2/2023 tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục chọn vùng Đồng bằng sông Hồng để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê ban đầu cho thấy, có 20 dự án với tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu. Trước đó, nhiều dự án lớn cũng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư như: Dự án "Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội để bán và cho thuê" ở Hải Phòng với tổng mức đầu tư 4.865,16 tỷ đồng của Công ty Thai-Holding; dự án "Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1" với tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng của Công ty Giải pháp năng lượng VinES; dự án "Khai thác tàu container" với tổng mức đầu tư 1.383 tỷ đồng của Công ty liên doanh Zim Hải An...
Ngoài các nhà đầu tư nhận chứng nhận đăng ký đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ triển khai các dự án quy mô lớn tại vùng Đồng bằng sông Hồng, đơn cử như: Dự án Bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại Aeon mall Hoàng Mai, Giáp Bát với tổng mức đầu tư 6.058 tỷ đồng; dự án "Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tràng Duệ 3", với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; dự án mới sản xuất các sản phẩm điện, điện tử và âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, của Goertek Vina... Như vậy tính ra, từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 30 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).
Gia tăng cơ hội bằng đẩy mạnh liên kết vùng
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa thu hút đầu tư của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương trong vùng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút được những dự án đầu tư lớn, có chất lượng. Tuy nhiên, hạn chế mà nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đang gặp phải đó là, thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực, ngành thâm dụng nhân công giá rẻ như: Dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản, nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao. Cùng với đó, nhiều địa phương trong vùng cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu quỹ đất sạch quy mô lớn để thu hút đầu tư. Theo đó, bên cạnh tăng chất lượng dòng vốn đầu tư thì tạo quỹ đất sạch để thu hút được những dự án FDI lớn cũng là điều mà các địa phương trong vùng cần quan tâm trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, ý kiến của nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng khả năng liên kết vùng vẫn còn hạn chế, theo đó, để thúc đẩy liên kết vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cho biết, các địa phương trong vùng cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu. Trong đó, trước mắt cần tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững, sớm hoàn thành Quy hoạch vùng trong năm 2023 .