Thứ hai 23/12/2024 06:25

Vĩnh Phúc: Ưu tiên xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP

Để khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy phát triển nông sản địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm.

Chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2019, Vĩnh Phúc bắt đầu thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, nhiều sản phẩm đã được chứng nhận và phát huy hiệu quả.

Trong năm qua, qua đánh giá, phân hạng, Vĩnh Phúc có thêm 44 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 105 sản phẩm OCOP, trong đó gồm: 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

“Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại” - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Tiêu biểu phải kể đến sản phẩm Tương Khả Do, phường Nam Viên, thành phố Phúc Yên vừa được tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2022. Từ một làng nghề truyền thống sản xuất theo lối tự cung tự cấp, giá trị của một chai tương thành phẩm chỉ ở mức thấp thì nay người làm tương đã thay đổi phương pháp sản xuất, chú trọng đến khâu tổ chức và quản lý sản phẩm.

Năm 2017, Tương Khả Do đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu, logo. Đây là cơ sở và công cụ pháp lý hữu hiệu để xã viên hợp tác xã sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Quốc Trai, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ Tương Khả Do cho biết, kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Các thành viên hợp tác xã ý thức hơn trong khâu sản xuất và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để có được thành phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên hợp tác xã cao hơn 20 - 30% so với trước đây.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP, phân hạng 3 sao

Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch, huyện Lập Thạch là nông sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Australia. Từ cây trồng mang tính tự phát, huyện Lập Thạch đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững heo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tại 5 xã: Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý, Quang Sơn với quy mô 300 ha.

Năm 2015, thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đoạt cúp vàng thương hiệu sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng.

Năm 2019, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP, phân hạng 3 sao. Đây được coi là bước tiến quan trọng của thanh long ruột đỏ Lập Thạch trên hành trình khẳng định thương hiệu. Anh Nguyễn Văn Hoàng, xã Ngọc Mỹ, Lập Thạch, một trong những người sở hữu mô hình trồng thanh long ruột đỏ được chọn xuất khẩu sang thị trường Australia chia sẻ, việc được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP giúp cho cây thanh long đỏ Lập Thạch dễ dàng hơn trong tiếp cận người tiêu dùng và tìm được chỗ đứng tại hệ thống siêu thị.

Nhờ thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc và sử dụng loại nước tưới giàu chất hữu cơ, quả thanh long ruột đỏ của gia đình anh luôn có vị ngọt đặc trưng và tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng nên được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến ký hợp đồng liên kết xuất khẩu.

Để quảng bá thương hiệu thanh long ruột đỏ, huyện lập Thạch đã phối hợp với các sở, ngành chủ động đưa sản phẩm tham gia các hội trợ thương mại trong nước và quốc tế; đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp, Viện Công nghệ sinh học trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất siro và rượu vang từ nước ép quả thanh long.

Nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Để khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy phát triển nông sản địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với khu du lịch trên địa bàn.

Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã khai trương 2 gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP

Cụ thể, tính riêng trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã khai trương 2 gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh đặt tại Trạm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tại km6, xã Kim Long, huyện Tam Dương và Trung tâm Giống nông nghiệp thuộc địa phận xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương; Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã phối hợp cùng các hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất mở 5 điểm trưng bày, giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo).

Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được mở rộng, giúp cho người dân và du khách thuận tiện hơn trong mua sắm sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh; đặc biệt, các chủ thể OCOP sẽ không còn phải tìm kiếm khách hàng riêng lẻ, thay vào đó là có một ngôi nhà chung - là kênh giới thiệu sản phẩm hữu hiệu. Việc nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh sẽ là kênh giới thiệu và quảng bá những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với đông đảo người dân cũng như khách du lịch, tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng, qua đó, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương từng bước được người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn sử dụng.

Cửa hàng bán sản phẩm OCOP của chị Phạm Thị Hải Yến, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương được khai trương cuối tháng 11/2022. Chị Yến cho biết: Hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm rượu cỏ đĩ, bánh dứa, rượu gạo Hải Yến. Với 100% nguyên liệu từ gạo nếp nương, men lá, ngâm với cây cỏ đĩ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, năm 2020, sản phẩm rượu cỏ đĩ được UBND tỉnh phân hạng và cấp Giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP. Hiện nay, trụ sở chính của Hợp tác xã ở Đồng Tĩnh, Tam Dương. Trong xu thế xã hội càng phát triển, đời sống người dân càng được nâng cao thì nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe càng được nhiều người quan tâm, tìm kiếm và sử dụng.

Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Hợp tác xã đã mở thêm chi nhánh tại đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên. Cùng với việc giới thiệu và cung cấp các sản phẩm của hợp tác xã, cửa hàng còn bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh và đặc sản các vùng miền trên cả nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. Qua hơn 3 tháng hoạt động, cửa hàng tích cực tuyên truyền, quảng bá và bán 30 mặt hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Ngoài ra, việc gắn kết sản phẩm OCOP với các điểm tham quan, du lịch cũng đang tạo thêm cơ hội và điều kiện để du khách trong và ngoài nước biết đến sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc nhiều hơn.

Ðể tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP một cách hiệu quả, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công Thương, Sở Công Thương Vĩnh Phúc nhấn mạnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn.

Với cách tiếp cận mới, bài bản và khoa học, các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc sẽ còn được nhân rộng trong thời gian tới. Đây là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được cơ quan cấp tỉnh đánh giá, thẩm định và công nhận theo các tiêu chí quy định, đến với du khách và người tiêu dùng tin tưởng và mua sắm sử dụng sản phẩm; đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động quảng bá, liên kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm.

Lê Na
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP đổi mới mẫu mã bao bì vào cao điểm mùa hàng Tết

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Khẳng định sự vươn mình của hàng Việt

Doanh nghiệp Thái Bình tích cực sản xuất, quảng bá hàng Việt Nam

Cà phê Bích Thao Sơn La tiếp tục đạt OCOP 5 sao

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' có ý nghĩa sâu sắc với doanh nghiệp sản xuất

Khai mạc Lễ hội Đặc sản Việt cho Tết Việt

Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng Thủ đô

Sở Công Thương Trà Vinh thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Hà Nội: Tôn vinh 150 sản phẩm hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích năm 2024

Báo Công Thương tổ chức Toạ đàm 15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 4

Sắp diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 3

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 2

Chinh phục người tiêu dùng Việt: Bài học từ những thương hiệu thời trang ‘biến mất’

Đảng bộ EVNCPC triển khai hiệu quả Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt - Bài 1

Hà Nội - Hà Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu