Kết nối giao thương sản phẩm OCOP Quảng Nam với các nhà cung cấp Đà Nẵng Quảng Nam và Đà Nẵng 'bắt tay' quảng bá sản phẩm OCOP |
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho biết, qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018 - 2024), toàn tỉnh có 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 419 sản phẩm 3 sao, 60 sản phẩm 4 sao.
Tỉnh Quảng Nam có 479 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP |
Riêng trong năm 2024, tổng số sản phẩm chính thức tham gia Chương trình OCOP là 169 sản phẩm. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 18/18 địa phương hoàn thành đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, đã đánh giá hơn 130 sản phẩm (trong đó có 43 sản phẩm công nhận lại).
Đến nay có 13 địa phương đã ban hành Quyết định công nhận cho 100 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đồng thời có 8 sản phẩm các địa phương đề xuất đánh phân hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tiến hành đánh giá, kiểm tra cơ sở và gửi mẫu kiểm nghiệm, kết quả có 2 sản phẩm đạt 4 sao OCOP năm 2024.
Được biết, tỉnh Quảng Nam cũng đã trình Trung ương đánh giá 5 sao cấp quốc gia 5 sản phẩm (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Saphraton- Nam Trà My, tinh dầu quế Trà My - Bắc Trà My, tiêu Tiên Phước - Tiên Phước, MITRI TEA trà sâm Ngọc Linh (thực phẩm bảo vệ sức khỏe)- Phú Ninh, bánh dừa nướng Quý Thu- Quế Sơn).
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Vũ cho biết thêm, năm 2024, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng quy mô sản xuất và phát triển kênh tiêu thụ, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Các chủ thể OCOP đã tạo ra hàng nghìn việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Theo ông Trần Văn Noa – Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, chương trình OCOP đã tạo động lực, sức sáng tạo, giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu.
Qua việc tham gia chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đồng thời, chương trình OCOP còn giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hoá nông sản, dịch vụ ở nông thôn; đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất như: VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP…
“Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; lựa chọn một số sản phẩm OCOP có khả năng cạnh tranh trên thị trường để thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan, hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm OCOP đã được công nhận lên các sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm” – ông Noa nói thêm.