Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' có ý nghĩa sâu sắc với doanh nghiệp sản xuất Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Khẳng định sự vươn mình của hàng Việt |
Đa dạng giải pháp bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã tập trung vào các nhóm giải pháp như: Tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng…
Báo cáo tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 và phương hướng triển khai Cuộc vận động năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2024, Bộ Công Thương (Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia) đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Lễ Phát động Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Doanh nghiệp ưu tiên quảng bá và phân phối quảng bá cho hàng Việt Nam (Ảnh: Saigon Coop) |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại thông qua các hoạt động đa dạng. Trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 30 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng Việt và các hoạt động thiết thực để thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt
Đơn cử, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, hỗ trợ các đơn vị chủ trì thực hiện 35 đề án phát triển thị trường trong nước với tổng kinh phí hỗ trợ từ Chương trình hơn 20 tỷ đồng tập trung vào các nội dung như hội chợ, triển lãm cấp vùng; tuyên truyền và nâng cao nhận thức công đồng về hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng, tổ chức lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo.
Thông qua đó, Chương trình đã hỗ trợ gần 3000 nghìn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước tham gia gần 3.500 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương; đồng thời cũng là cơ hội cho người dân địa phương giao lưu, mua sắm, tiếp cận các mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phải chăng; từ đó xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, làm nền tảng cho sự phát triển thương mại trong nước bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Tăng cường livestream để quảng bá, tiêu thụ hàng Việt (Ảnh: Hoàng My) |
Đối với xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hàng Việt trên nền tảng số, Bộ Công Thương đã triển khai thành công 6 chương trình tập huấn (tại Lào Cai, Hà Nội, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Nghệ An, Bắc Giang); khởi tạo 4 phiên livestream Tự hào hàng Việt trên nền tảng Tiktok, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, và đã đạt được những kết quả nhất định. Qua thống kê, các phiên bán hàng đạt tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng với 8.000 đơn hàng bán ra, tiếp cận hơn 50 triệu lượt xem và tương tác. Nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo khách hàng - những người tiêu dùng nội địa.
Các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tăng cường sản xuất, tiêu thụ hàng Việt
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2024, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và kêu gọi các đơn vị thành viên tích cực thực hiện các công việc thực tế để hưởng ứng Cuộc vận động. Nghiên cứu, tham gia các hội nghị kết nối tìm kiếm nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý để thúc đẩy việc đưa sản phẩm Việt Nam đến mọi vùng miền để cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.
Tăng cường sản xuất hàng hoá có chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (Ảnh: Cấn Dũng) |
Nhiều đơn vị đã đưa nội dung sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được vào công tác xây dựng kế hoạch hàng năm để sử dụng các sản phẩm trong nội bộ của tập đoàn, tổng công ty và sản phẩm của các doanh nghiệp khác trong nước. Cuộc vận động được các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong toàn ngành triển khai hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến rõ nét về việc tạo thói quen dùng hàng Việt, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thể hiện tốt vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông, tiền tệ, tín dụng chính sách xã hội... Với những kết quả đạt được thông qua cuộc vận động đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong những năm vừa qua.
Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. 100% số xã trên cả nước đã có điện. Số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 99,6%. Hay Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cung cấp các dịch vụ truyền hình vệ tinh, game Online, VTC Mobile, VTC Pay, đào tạo số; Tổng công ty Lâm nghiệp đẩy mạnh việc phát triển những loài cây lâm nghiệp đa mục đích (cây dẻ, macca, dó bầu…) vào các vùng Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Bắc; một số đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP tiếp tục phân phối sản phẩm đến các vùng nông thôn, miền núi,...
Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, tập đoàn luôn kêu gọi, khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thường xuyên cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và cũng là để hưởng ứng Cuộc vận động.
Nhờ đó, trong năm 2023, các đơn vị thành viên đã chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau với tổng giá trị mua sắm nội bộ giữa các đơn vị thuộc tập đoàn đạt xấp xỉ 3.750 tỷ đồng. Đến nay, Vinachem đã tích cực hợp tác, sử dụng nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong nước như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... Tổng giá trị sử dụng dịch vụ, hàng hóa Việt Nam phục vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm gần đây ước đạt khoảng 115.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm bám sát chủ trương, đường lối của đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về thực hiện Cuộc vận động để xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động hằng năm. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các kênh phân phối trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định, ứng dụng công nghệ số vào chuỗi sản xuất – cung ứng hàng Việt Nam; phát triển thương mại điện tử hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, phù hợp với các cam kết Việt Nam đã tham gia.