Viễn Sơn (Yên Bái): Nâng cao giá trị cây quế Phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa |
Chiều ngày 10/12, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững quế Việt Nam”.
Kim ngạch xuất khẩu quế còn khiêm tốn
Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng hồi. Quế hồi được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm. Ở các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển, quế, hồi là nguyên liệu chính trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ quế và hồi còn tương đối khiêm tốn so với các sản phẩm gỗ khác nhưng với hơn 200.000 ha rừng quế và hồi hiện đang là sinh kế bền vững cho hơn 200.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Anh Triệu Toàn Phú ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái) đang khai thác vỏ quế |
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành hàng quế, hồi còn đang gặp một số khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Quế Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Việt Nam (VINASAMEX), hiện nay bà con nông dân canh tác theo tập quán cũ chưa chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp là chưa cao. 70% giống quế, hồi do người dân tự sản xuất theo kinh nghiệm, chất lượng giống không đảm bảo, chỉ có khoảng 30% lượng giống được cung cấp bởi các công ty nông nghiệp hoặc dự án trồng mới của chính quyền địa phương.
Hiện tại, Việt Nam có trên 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là các công ty thương mại, chỉ quan tâm đến việc mua bán mà không quan tâm đến việc xây dựng mối liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu. Các công ty hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị rất ít. Chính vì vậy, người nông dân thường gặp tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá tương tự các sản phẩm nông sản khác. Ngoài ra, với đặc thù của ngành quế, hồi, đa số các đơn vị hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ, chưa có sự gắn kết và chia sẻ thông tin với nhau, nhiều trường hợp còn cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán làm yếu đi sức cạnh tranh của ngành quế hồi Việt Nam.
Đa số các doanh nghiệp trong ngành quế, hồi là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính cũng như khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Hơn nữa, chưa có cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm quế, hồi xuất khẩu.
Lo ngại phát triển không bền vững
Hiện, tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt 41.408 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, hiện ước tính từ 8 - 12%. Sự mất cân đối giữa cung và cầu đã khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay. Thực trạng này có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển quế ồ ạt tại Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động sản xuất thì cũng gia tăng các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nếu không có những định hướng quản lý và phát triển ngành quế một cách chiến lược, kịp thời và bền vững thì có thể sẽ đưa đến những lúng túng cho các cơ quan quản lý ở địa phương, khó khăn trong việc đáp ứng được các rào cản chất lượng, rủi ro về giá cả, về thị trường đầu ra và có thể sẽ đưa đến hậu quả và tác động tiêu cực cho người dân trồng quế và các doanh nghiệp liên quan đến chế biến và xuất khẩu quế ở Việt Nam.
“Quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng. Tại Việt Nam, diện tích trồng quế cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững”, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - khẳng định.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi ngành hàng quế cũng như đưa ra các định hướng phát triển ngành hàng quế trong tương lai.
Ông Võ Kim Cương- đại diện Nhóm nghiên cứu Dự án Great đánh giá, hiện nay cầu lớn hơn cung, thị trường đang có lợi cho phía sản xuất. Tuy nhiên, giá quế xuất khẩu trung bình khoảng 4 USD/kg, khá cao so với các nước sản xuất, điều này đặt ra ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành. Ngoài ra, còn các vấn đề mà quế Việt Nam đang phải đối mặt như: Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ; năng lực tiếp thị và hiểu biết thị trường còn nhiều khoảng trống; gia tăng sản lượng nhanh chóng, kết hợp với thị phần truyền thống đang tiến tới điểm ngưỡng.
Đưa ra khuyến nghị cho phát triển quế Việt Nam, ông Võ Kim Cương cho rằng, cần tập trung sản xuất nguyên liệu có giá trị cao, có chứng nhận, theo chuẩn kỹ thuật quốc tế, chất lượng đảm bảo, ổn định. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chuỗi cung ứng cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu đi EU, Bắc Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập Hiệp hội Quế hồi Việt Nam là một điều thực sự cần thiết để đảm bảo quyền lợi cũng như chia sẻ thông tin thị trường và định hướng phát triển cho các đơn vị thành viên. “Tại các nước trên thế giới, các Hiệp hội gia vị châu Âu, Hiệp hội gia vị Mỹ, Hiệp hội gia vị Ấn Độ.... hoạt động hiệu quả giúp ngành gia vị của các nước này phát triển mạnh và bền vững”, ông Nguyễn Quế Anh chia sẻ.
Chung tay phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc của Tổ chức IDH tại Việt Nam - chia sẻ, gần đây, một số hiệp hội và nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tiếp cận và đề nghị IDH mở thêm một chương trình hỗ trợ về mặt hàng quế. Sau khi xem xét đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu thị trường thế giới, về tiềm năng của Việt Nam, những thách thức của ngành hàng, IDH chính thức đưa quế vào là 1 chương trình hỗ trợ mới của IDH tại Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030.