Tỷ lệ người sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng rõ rệt |
Những thành công bước đầu
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, trước khi thực hiện CVĐ, tỷ lệ dùng thuốc trong nước ở tuyến tỉnh là 33,9%, tuyến huyện 61,5%, đến nay, tỷ lệ tương ứng này đã tăng lên 35,4% và 69,4%. Đặc biệt, có những địa phương như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An… tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện đạt tới 80%, tuyến tỉnh hơn 60%, tuyến trung ương tăng từ 11% lên 13%.
Nhiều chuyên gia nhận định, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bởi hiện nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu điều trị. Cả nước cũng có gần 170 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”, với gần 5.000 sản phẩm được cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới với 530/ 953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, các nhà máy dược phẩm đang tiếp tục đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc -xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao.
Nỗ lực nội địa hóa
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.
Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này không khó đạt được khi ý thức sử dụng thuốc sản xuất trong nước của người dân đã nâng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, còn không ít bệnh nhân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng thuốc. Điều đáng nói, dù một số loại thuốc được bán rộng rãi trên thị trường nhưng để vào được các bệnh viện, nhất là bệnh viện công còn rất khó khăn. Chưa kể đến tâm lý của ngay bản thân thầy thuốc và người bệnh vẫn thích sử dụng thuốc ngoại… là những cản trở cho thuốc Việt.
Trước thực tế này, Sở Y tế nhiều tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai CVĐ trên địa bàn. Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo cũng đã chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước theo định hướng tập trung ưu tiên cho nhóm thuốc sản xuất trong nước đạt các tiêu chuẩn theo quy định mà giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và người bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách trong đó quy định ưu tiên thuốc sản xuất trong nước; tổ chức các cuộc hội thảo, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Y tế đã xây dựng các thông tư quy định về kê đơn thuốc, trong đó có quy định tỷ lệ kê đơn thuốc sản xuất tại Việt Nam; ban hành tiêu chí cụ thể để chấm điểm phân hạng bệnh viện trong việc phấn đấu tăng tỷ lệ % sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng giá trị tiền sử dụng thuốc hàng năm của bệnh viện… |