Thực hiện tốt trách nhiệm mở rộng sản xuất - thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Ngày 8/9, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị nâng cao trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Thực hiện tốt trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn |
Ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một công cụ chính sách đảm bảo rằng các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm do họ sản xuất (hoặc nhập khẩu) ra khi chúng bị thải bỏ ra môi trường.
EPR hiện đang được coi là một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, tạo thêm việc làm và hỗ trợ các Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường.
Trên thế giới hiện có khoảng hơn 400 EPR khác nhau. EPR có mối quan hệ chặt chẽ và được coi là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các yếu tố về kinh tế xanh, kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn đang dần được “tiêu chuẩn hóa” trở thành điều kiện bắt buộc trong giao dịch thương mại, nhất là trong các hiệp định thương mại tự do. Việc bắt buộc áp dụng EPR là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, EPR đã được quy định tại điều 54 Luật Bảo vệ môi trường và tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo lộ trình, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027. Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải... cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Mặc dù vai trò của EPR rất quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận về EPR và kinh tế tuần hoàn hiện nay vẫn là rất lớn; một số Hiệp hội và doanh nghiệp chưa biết và chưa được tiếp cận với vấn đề này.
Thúc đẩy thực hiện tốt trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp tái chế (Ảnh: Tái chế rác thải nhựa thành các ván ép nhựa) |
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Hội đồng EPR đã trao đổi, chia sẻ, giải đáp các câu hỏi của hiệp hội và doanh nghiệp trong thực hiện quy định chi tiết về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu như: đối tượng, hình thức thực hiện, lộ trình, đăng ký, kê khai và báo cáo kết quả tái chế, chế tài xử lý vi phạm, tham vấn đề xuất định mức tái chế (Fs),... Từ đó, các doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn về các quy định của pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì cũng như trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trong suốt vòng đời của sản phẩm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.