Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về ngành công nghiệp khai khoáng với nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, như: Quặng sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, than, vàng, vonfram, vật liệu xây dựng… v,v. Từ lâu, ngành công nghiệp khai khoáng đã có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp chế biến, luyện kim trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung và góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp khai khoáng của tỉnh Thái Nguyên đã ngày càng ý thức và tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện sản xuất xanh, tuần hoàn chất thải. Là một trong những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty CP Kim Loại màu Thái Nguyên sản xuất chủ yếu các sản phẩm: Kẽm kim loại 99,95% Zn, bột oxit kẽm, tinh quặng oxit chì, axit sunfuaric, thiếc thỏi, bột oxit calimi, bột oxit màu, than cám tuyển từ xỉ lò quay … do vậy, nguồn thải của công ty chủ yếu là nước trong quá trình tuyển quặng và quặng đuôi. |
Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Nguyễn Văn Hậu đã dẫn tôi đến Xí nghiệp Thiếc Đại Từ (huyện Đại Từ) cách thành phố Thái Nguyên gần 30 km để tận mắt chứng kiến công tác sản xuất tại đây. Gặp tôi, ông Lê Minh – Giám đốc Xí nghiệp Thiếc Đại Từ chia sẻ: Hiện Xí nghiệp được công ty giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản quặng thiếc, đồng tại tiểu khu phía Nam, khu Tây Núi Pháo được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép khai thác với thời hạn 13 năm 9 tháng, với sản lượng khai thác 29.700 tấn/năm. “Ở đây chúng tôi khai thác chủ yếu thiếc, đồng và bismuth. Mỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép về môi trường vào tháng 12/2021 và gần đây là giấy phép bổ sung vào tháng 12/2024”- ông Lê Minh nói. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, mỏ Thiếc Đại Từ có các công trình đảm bảo môi trường như bể xử lý nước ở các cửa lò, hệ thống hồ chứa quặng đuôi để chứa đuôi thải sau khi tuyển… Ông Hậu cho biết, với công suất 29.700 tấn quặng nguyên khai/năm, trong quá trình khai thác, quặng nguyên khai được chuyển lên sân ga còn đất đá trong quá trình đào lò được quy hoạch tập kết tại khu vực lưu giữ theo phương án trong ĐTM được phê duyệt. Cũng theo ông Hậu, trong quá trình sản xuất, đuôi thải được chứa trong hồ với dung tính 290.000 m3, tính cho cả đời mỏ 13 năm 9 tháng, nước thải trong quá trình tuyển 100% được đưa ra hồ chứa quặng đuôi và được tái sử dụng cho quá trình sản xuất. Toàn bộ hệ thống nước mặt được thoát theo hệ thống mương thoát ra môi trường. |
Riêng đối với quặng đuôi, hiện một số công ty xi măng tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh khác đã đề xuất đưa vào làm phụ gia cho sản xuất xi măng, tuy nhiên hiện nay chi phí vận chuyển còn khá cao. “Để giải quyết bài toán chi phí vận chuyển, công ty đang phối hợp với một số nhà máy xi măng tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên và lân cận xây dựng Đề án sử dụng quặng đuôi làm phụ gia xi măng. Sau khi được cơ quan quản lý môi trường cấp phép thì Công ty sẽ tiến hành triển khai thực hiện”- ông Hậu chia sẻ. Tương tự như Xí nghiệp Thiếc Đại Từ, Xí nghiệp Kẽm chì Làng Hích - huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, toàn bộ nước thải tại các mỏ đều được thu gom và qua hệ thống xử lý sau đó được tái sử dụng cho xưởng tuyển. “Trong quá trình tuyển nước thải tiếp tục được tuần hoàn để tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên”- ông Hậu nhấn mạnh. Sản phẩm tinh quặng kẽm sản xuất tại các Xí nghiệp sẽ được đưa về Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên - tại thành phố Sông Công, tại đây sẽ cho ra 2 sản phẩm chính là kẽm thỏi và sản phẩm đi kèm là axit sunfuric. Tại Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, nguồn thải chủ yếu là khí thải. Công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và được truyền thông số đến trực tiếp cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Thái Nguyên. Đối với chất thải nguy hại, công ty đưa vào các kho chứa lưu giữ và được đơn vị có thẩm quyền được cấp phép thu gom đưa đi xử lý theo đúng quy định của pháp luật về môi trường. |
Theo ông Hậu, mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của công ty đó là: Kết hợp giữa việc đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật, làm chủ công nghệ. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao công nghệ cả trong nước và ngoài nước, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và sáng kiến cải tiến kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu này trong những năm qua, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Ông Hậu dẫn chứng, trong lĩnh vực tuyển khoáng, công ty đã thay thế máy tuyển vuông sang máy tuyển tankcell, đã nâng tỷ lệ thực thu tuyển lên từ 3-5%. Đối với lĩnh vực luyện kim, công ty đã thực hiện chế biến sâu, chuyển đổi công nghệ chuyển hóa, sử dụng chất xúc tác để nâng cao thực thu trong sản xuất a xít từ 84% lên 91,2%. Ngoài ra, công ty cũng đã ứng dụng giải pháp xử lý dung dịch nước rửa bã sắt để thu hồi kim loại, đã nâng thực thu kẽm từ 90,06% lên 91,7%, giảm lượng tiêu hao vôi từ 100 tấn/tháng xuống 30 tấn/tháng, từ đó đã giảm lượng chất thải 1.500 tấn/năm. |
Đồng thời, đổi mới công nghệ khử F, Cl trong bột kẽm ô xít bằng lò nhiều tầng sang công nghệ rửa ướt, đã giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than) 1.000 tấn/năm; chuyển đổi công nghệ nồi hơi sử dụng ghi xích đốt than 100% sang nồi hơi tầng sôi sử dụng đa nhiên liệu (than, củi, mùn cưa). .. Trong những năm tiếp theo, công ty tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tận thu tối đa tài nguyên có ích, giảm thiểu phát sinh chất thải trong quá trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là chuyển đổi công nghệ chế biến sâu kim loại của Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào chạy thử nghiệm vào cuối tháng 3/2025. “Đây là một dự án mang tính chiến lược về phát triển bền vững của công ty, khi dự án vào hoạt động sẽ nâng thực thu kẽm từ 92% lên 94%, tận thu được các khoáng sản đi kèm có ích như Ag,.... Cùng với đó là đầu tư công nghệ nồi hơi nhiệt dư để tận dụng tối đa nhiệt dư của các lò luyện, chuyển thành nhiệt hơi phục vụ sản xuất, dần thay thế cho nồi hơi sử dụng nhiên liệu than củi như hiện nay”- ông Hậu nhấn mạnh. |
Cũng theo ông Hậu, đối với các bãi thải ngoài cửa lò, công ty thực hiện quy hoạch các bãi thải theo đúng hồ sơ được cấp phép, xây dựng các hố lắng cặn,… sau khi chứa đầy dung tích bãi thải theo cấp phép, tiến hành hoàn thổ môi trường cho từng bãi thải. Các bãi thải quặng đuôi nhà máy tuyển, công ty sẽ nâng cao chất lượng quặng từ khâu khai thác, thực hiện các giải pháp trong khâu tuyển quặng để thu hồi tối đa tài nguyên như nâng cao chất lượng quặng nguyên khai, nâng cao hiệu quả thực thu tuyển, giảm hàm lượng kim loại trong quặng đuôi thải. |
Ngoài ra, để tái sử dụng nước thải trong sản xuất tại các nhà máy tuyển, công ty sẽ áp dụng các giải công nghệ trong công tác tuyển quặng, xây dựng các hồ chứa, bể chứa xử lý nước thải sau tuyển để sử dụng nước tuần hoàn cho tuyển, giảm thiểu tối đa thải nước ra ngoài môi trường… |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |