Thúc đẩy tín dụng xanh
Để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam đang rất cần nguồn tài chính xanh triển khai các hoạt động, dự án phục vụ phát triển bền vững.
Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững, được đánh giá là quốc gia có xếp hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết định NDCs. Với nền kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh bền vững.
Nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo là mục tiêu quan trọng trong phát triển nguồn năng lượng xanh |
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho biết, định hướng chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đó là không xây dựng thêm điện than mới, giảm tỷ lệ điện than từ 25,7% đến năm 2030 và 9,7% năm 2045 thông qua chuyển đổi sang biomass và các nhiên liệu sạch khác... Mục tiêu rất rõ ràng, tuy nhiên, để phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, bảo đảm cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, ngoài ngân sách nhà nước hay các chính sách ưu đãi về thuế, ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân...
Một trong những khó khăn cho công tác triển khai tín dụng các dự án xanh được phía Ngân hàng Nhà nước chỉ ra đó là, do Việt Nam chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp cho giai đoạn tới. Cùng với đó, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo quy định.
Đồng thời, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. “Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các tổ chức định chế tài chính quốc tế nhằm đánh giá khả năng huy động cho mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững” - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Để ngành ngân hàng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, hướng dòng vốn tín dụng và dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cũng như các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon. Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng của Việt Nam đối với các dự án xanh đạt hơn 474 nghìn tỷ đồng, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%)… |