Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, có 115 mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa vào “Chương trình hành động quốc gia” để thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững cho Việt Nam. Hiện tại, những mục tiêu trên đã được lồng ghép tất cả các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong kế hoạch 5 năm tới, dự kiến sẽ trình thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tất cả những chiến lược nói trên nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam. Riêng với cộng đồng từng doanh nghiệp (DN) đã định hướng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững, nhằm đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao uy tín thương hiệu. Điển hình là sự ra đời Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vào năm 2019 với 13 DN tham gia xây dựng chuỗi tái chế, phân loại rác, cũng như làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. Tham gia liên minh này, các đơn vị đẩy mạnh triển khai tuyên truyền về thay đổi thói quen sử dụng bao bì 1 lần. Trong đó, Saigon Co.op đã tiên phong loại bỏ ống hút nhựa trên quầy kệ từ năm 2019, còn Nestlé Việt Nam thì loại bỏ ống hút nhựa trên các sản phẩm sữa như Nestlé MILO Bữa sáng và sữa Nestlé Nesvita 5 loại Đậu. Công ty LaVie cũng cho biết đã ngưng sử dụng màng co nắp chai để giảm rác thải và chuyển màu chai sang trắng trong để đơn giản hóa quá trình tái chế...
Cùng với những hoạt động thiết thực kể trên, theo giới chuyên gia, DN cần đầu tư không chỉ trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới thân thiện với môi trường, mà cần thay đổi quy trình, thiết bị sản xuất để hạn chế, giảm thiểu khí thải ra môi trường. Theo xu thế này - INSEE Việt Nam cho biết đã đầu tư hơn 30 triệu USD cho tiền xử lý và đồng xử lý chất thải, từ đó giúp giảm thiểu 25.000 tấn CO2/năm ra môi trường. Công ty cũng được đánh giá là đơn vị sản xuất xi măng có hệ số clinker thấp nhất trong ngành…
Ông Bruno Fux - Giám đốc Ecocycle - Phát triển Bền vững INSEE Việt Nam - chia sẻ rằng, để thúc đẩy quá trình xử lý chất thải rắn, DN này đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các chất thải nguy hại như dầu PCB, thuốc trừ sâu hoặc khí HCFC, đồng thời DN đang nghiên cứu hướng để phát triển năng lượng tái tạo một cách có hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia những mô hình kể trên đã thực hiện trước giai đoạn Covid-19, còn ở hiện tại khi đại dịch vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu thì việc thực hiện mô hình trên phải theo cách mới. Bà Phạm Chi Lan nhận xét, để vừa vực dậy DN lại vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trước hết DN phải tập trung hoàn thành trách nhiệm trong các chuỗi cung ứng và triển khai hiệu quả hơn.
Theo đó, DN phải nghĩ việc trở lại như là một sức mạnh mới và bền bỉ để đi xa hơn chứ không chỉ trong ngắn hạn. DN cần dựa vào công nghệ, khả năng về phân tích và toàn cầu hóa để linh hoạt trong kinh doanh. Cùng với đó là tham gia một cách tích cực trong việc chống lại tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt vai trò dẫn dắt của Chính phủ rất quan trọng, nhất là trong dịch bệnh như hiện nay - các đường lối, chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt từ Chính phủ sẽ giúp DN yên tâm hoạt động, từ đó tái đầu tư cho phát triển bền vững.
Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN xác định tính tuần hoàn là một chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế bền vững và đưa ra những khuyến nghị không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra mà còn thúc đẩy phát triển trong dài hạn.