Thứ ba 26/11/2024 21:51

"Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững"

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hiệu quả cao từ thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau

Phát biểu tại Hội nghị các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chỉ rõ, thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã được Bộ Công Thương lần đầu phát động tại Lễ ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” vào năm 2012 nhằm mục tiêu góp phần thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị

Tại Lễ ký kết này, 16 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thươngđã ký Thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh do các bên sản xuất được; đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, phù hợp với năng lực của từng bên, với quy định pháp luật hiện hành và định hướng phát triển chung của mỗi doanh nghiệp. Việc hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng các lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhìn chung, thỏa thuận kể trên đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, cũng góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty tại thời điểm đó.

Sau Lễ ký kết, các tập đoàn, tổng công ty, công ty tiếp tục phối hợp, ưu tiên ký kết các thỏa thuận với nhau khi có nhu cầu. Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình, ban hành các văn bản có tác động tích cực, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thực hiện tốt Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

“Việc triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững; tăng tỷ lệ hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối… Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%... Như vậy, Cuộc vận động rõ ràng đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động. Sau 6 năm triển khai trên phạm vi cả nước, Đề án 634 đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam”.

Cùng với kết quả của giai đoạn 2014-2020, Đề án giai đoạn 2021-2025 cũng hướng tới mục tiêu góp phần phát triển thị trường trong nước, tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, từ đó thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất - người tiêu dùng, trung ương - địa phương, doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Đề án cũng có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và thách thức của hội nhập kinh tế thế giới cũng như những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19.

Hợp tác nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động

Trong thời gian tới, để góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động cũng như thực hiện mục tiêu của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, thứ nhất, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc tăng cường triển khai Cuộc vận động theo Kết luận 107-KL/TW ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động, Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới.

Hội nghị thu hút nhiều cơ quan, doanh nghiệp tham gia

Thứ hai, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai các hoạt động như tiếp tục tham gia các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới.

Đồng thời, tích cực triển khai các nội dung của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 như Chương trình truyền thông; Chương trình nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam, kết nối sử dụng hàng hóa dịch vụ của nhau giữa các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tham gia hưởng ứng Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; Doanh nghiệp lớn đầu mối gắn kết, hỗ trợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân tạo ra hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam giúp người tiêu dùng nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Chinh phục người tiêu dùng Việt: Bài học từ những thương hiệu thời trang ‘biến mất’

Đảng bộ EVNCPC triển khai hiệu quả Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt - Bài 1

Hà Nội - Hà Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu

Bộ Công Thương hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đưa thương hiệu Việt vươn xa

Hàng Việt và giải pháp đối mặt với những ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử

Bình Thuận đưa hàng Việt về vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đà Nẵng: Lan tỏa hàng Việt gắn với du lịch - nhìn từ chợ Hàn

Bắc Kạn: Mở rộng thị trường gắn với Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giúp ‘kết nối’ sản phẩm DRC đến nhiều doanh nghiệp

Hàng Việt, thương hiệu Việt trong hành trình 'vươn vai vạn dặm'

Ổn định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh

Nâng cao vai trò CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Gia Lai: Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Ngành Công Thương có nhiều nỗ lực, sáng tạo, triển khai bài bản Cuộc vận động

Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Phó Chủ tịch UB TWMTTQ Tô Thị Bích Châu: Bộ Công Thương giữ vai trò nòng cốt thực hiện Cuộc vận động

15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Dấu ấn của Bộ Công Thương

Longform | Doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm Việt ‘rạng danh’ trên thị trường

Bắc Kạn: Đưa hàng Việt tới người tiêu dùng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa