Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các sở, ban, ngành có liên quan và 90 doanh nghiệp xuất nhập khẩu - logistics trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đã tham dự hội nghị. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, những năm qua, Thanh Hóa quan tâm đầu tư xây dựng cảng biển và các công trình hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, tỉnh Thanh Hoá mong muốn tranh thủ ý kiến của các doanh nghiệp để đề ra các giải pháp phát triển dịch vụ tại cảng Nghi Sơn, đồng thời, tạo thuận lợi, phát huy lợi thế và phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
![]() |
Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu - logistics |
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết: Sau 13 năm xây dựng và phát triển, Khu khinh tế Nghi Sơn đã và đang khẳng định là khu kinh tế ven biển có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Đến nay, Nghi Sơn đã thu hút được 211 dự án đầu tư trong nước, 18 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, có một số dự án lớn, như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy giầy Annora, Nhà máy chế biến dầu ăn Muximas (Singapore)...
Khu kinh tế Nghi Sơn có cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, Cảng Nghi Sơn đã có 19 bến đi vào hoạt động, trong đó, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp trọng tải đến 60.000 DWT; 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở đến 3.500 TEU (tương đương trọng tải 30.0000 - 40.000 DWT)…
Với những lợi thế, tiềm năng phát triển và được sự ủng hộ của tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn CMA CGM, một hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đã làm thủ tục cho 4.162 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, 17.441 lượt hành khách xuất nhập cảnh, 29.774 tờ khai. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,65 tỷ USD.
![]() |
Cảng Nghi Sơn có nhiều lợi thế cạnh tranh |
Tính từ thời điểm ngày đón chuyến tàu container quốc tế đầu tiên tới cảng Nghi Sơn (8/5/2019), đến nay, lượng hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng mới chỉ đạt 2.500 TEU… như vậy là chưa tương xứng với năng lực tiếp nhận tàu của cảng. Lượng hàng hóa thông qua cảng Nghi Sơn mới chủ yếu là hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu rất ít, mất cân đối về vỏ container, dẫn đến hãng tàu phải chuyển vỏ container từ nơi khác về và phát sinh chi phí. Cước vận chuyển đường bộ từ các nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến cảng Nghi Sơn đang cao, chưa cạnh tranh được và các doanh nghiệp vận tải tại tỉnh Thanh Hóa chưa mặn mà dẫn tới chi phí phát sinh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Tại hội nghị, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đề nghị các doanh nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động logistics quan tâm, vì sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan và sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, nghiên cứu giảm thiểu thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian làm thủ tục thông quan để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Các hãng tàu biển, các chủ đầu tư cảng, các đơn vị hoạt động logicstics nghiên cứu xây dựng đơn giá bảo đảm tính cạnh tranh nhất để giảm tổng chi phí cho doanh nghiệp sao cho khi tham gia xuất nhập khẩu tại cảng Nghi Sơn không vượt quá tổng chi phí khi tham gia tại các cảng khác trên cả nước.
Các doanh nghiệp tham dự hội nghị đề xuất, mong muốn các hãng tàu biển đưa tàu vào nhận hàng tại cảng Nghi Sơn nhiều hơn và thông báo cho các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu biết để phối hợp vận chuyển hàng hoá xuất khẩu. Tại các cảng ở Nghi Sơn có luồng sâu, cầu tàu thuận lợi cho hàng hoá thông qua cảng. Nhiều ý kiến cho rằng, khi có nhiều hãng tàu vận tải biển, hàng hóa của các tỉnh trong khu vực đến cảng Nghi Sơn thì chắc chắn chi phí sẽ giảm. Đồng thời, cảng Nghi Sơn cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị để bốc xếp hàng hóa của các tàu có trọng tải lớn hơn hiện nay...
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen cho Công ty CMA - CGM Việt Nam vì có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics tại Nghi Sơn |
Tiếp thu các ý kiến, ông Nguyễn Đình Xứng nêu bật, Thanh Hóa đã và đang thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận tải hàng hóa. Thông qua trao đổi tại hội nghị, các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh… Theo ông Nguyễn Đình Xứng, số lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng Nghi Sơn hiện còn ít nên khó tránh khỏi giá cước cao; mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu… Những vấn đề này sẽ giải quyết được khi các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các doanh nghiệp nỗ lực. Tỉnh Thanh Hóa cam kết làm hết sức mình để cảng Nghi Sơn có dịch vụ tốt nhất. Thanh Hóa sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – logistics hoạt động tại cảng Nghi Sơn...