Tăng giá trị cho sản phẩm chè Shan tuyết
Số cây di sản này được khảo sát, lựa chọn trong quần thể hơn 8.500 cây chè Shan tuyết cổ thụ hiện có trên địa bàn huyện Bắc Hà, đạt các tiêu chí công nhận.
Là giống chè mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ, chè Shan tuyết đã và đang trở thành đặc sản mang lại nguồn thu cho nhiều hộ dân tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại thông qua các công đoạn chăm sóc, thu hoạch và sản xuất chè được địa phương đẩy mạnh, trở thành bản sắc và tạo sức hút riêng đối với mỗi du khách khi ghé thăm Bắc Hà.
Canh tác chè Shan tuyết hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất hay phân bón |
Hoàng Thu Phố là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, cách trung tâm huyện Bắc Hà 10 km, là địa phương có khí hậu thổ nhưỡng đặc trưng cho vùng cao miền núi như có khí hậu lạnh và sương mù quanh năm, mùa hè mưa nhiều và độ ẩm cao. Theo giới chuyên gia, điều kiện khí hậu và độ cao của khu vực (hơn 1200 mét) cùng với sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm và môi trường thổ nhưỡng tạo điều kiện cho chè Shan tuyết có chất lượng tốt.
Chè Shan tuyết cổ thụ đã được trồng qua nhiều thế hệ bởi người dân tộc Tày, Dao, Mông. Cách canh tác chè Shan tuyết thông thường là hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất hay phân bón, do đó được coi là chè sạch.
Phát biểu tại buổi lễ công bố và trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, bà Chu Thị Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà - khẳng định: Việc công nhận quần thể 105 cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận công sức của nhiều thế hệ người dân địa phương trong phát triển vùng chè; là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè shan tuyết cổ thụ, đặc biệt trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại thông qua công đoạn chăm sóc, thu hoạch và sản xuất chè. Đây cũng là niềm tự hào của không chỉ riêng các chủ hộ sở hữu cây mà còn của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, đặt ra trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của loại cây này.
Toàn huyện Bắc Hà hiện có trên 1.100 ha chè Shan tuyết, phân bố chủ yếu tại các xã vùng trung và thượng huyện, đặc biệt trên địa bàn đã hình thành vùng chè cổ thụ với trên 8.500 gốc có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trong đó riêng tại xã Hoàng Thu Phố có 2.370 gốc, đã tạo nên một cảnh quan độc đáo, gây được nhiều ấn tượng cho du khách.
Đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá, không chỉ có giá trị cao về kinh tế, tiêu biểu về cảnh quan, môi trường mà còn có giá trị đặc biệt về nguồn gen thực vật trong hệ sinh thái mà cây mang lại.
Để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè, nâng cao đời sống người trồng chè ở địa phương, lãnh đạo huyện Bắc Hà đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Hoàng Thu Phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Phương án số 05/PA-UBND ngày 16/5/2023 của UBND huyện Bắc Hà về bảo tồn, phát triển các vườn chè Shan cổ thụ trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn kỹ thuật, bố trí, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ cho người dân trong bảo tồn, chăm sóc chè cổ thụ theo đúng quy trình kỹ thuật.
Xây dựng thương hiệu, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm chè cổ thụ Bắc Hà gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch trải nghiệm; chú trọng thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với các hộ dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; chủ động nhân giống cây để tăng diện tích, số lượng cây chè và đầu tư các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch gắn với trải nghiệm vùng chè cổ thụ, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân…