Thứ hai 30/12/2024 02:09

“Sóng” giá gạo xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao?

Một tháng rưỡi kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, thị trường gạo toàn cầu vẫn diễn biến khó lường. Vậy “sóng” giá gạo xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao?

Sau lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng trên 20%

Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20/7, tuần trước (ngày 25/8), Ấn Độ tiếp tục áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu. Đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc. Thuế xuất khẩu gạo đồ sẽ được áp dụng đến ngày 15/10.

“Sóng” giá gạo xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao?

Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ áp mức giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Biện pháp này được cho là nhằm ngăn chặn các lô hàng xuất khẩu gạo thường nhưng được gắn mác là gạo basmati để né lệnh cấm xuất khẩu.

Các nước trồng lúa gạo hàng đầu khác đã trấn an người tiêu dùng rằng nguồn cung gạo vẫn dồi dào. Tuy nhiên, những dấu hiệu căng thẳng tiếp tục gia tăng trên thị trường.

Giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cụ thể, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ngày 31/8 hiện ở mức 633 USD/tấn; gạo 25% tấm của Thái Lan ở mức 565 USD/tấn.

Tại thị trường Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch hôm 31/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1/2023 hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%.

Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1/2023) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).

So với các nước xuất khẩu gạo Top đầu, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Trong đó, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan lần lượt là 10 USD/tấn và 63 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo tại các nước xuất khẩu chính, bao gồm Thái Lan và Việt Nam, đã tăng trên 20% kể từ khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.

Ở phía cầu, một số quốc gia cũng đã có những động thái nhằm ổn định tình hình giá gạo trong nước trước bối cảnh xu hướng giá gạo thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo đó, ngày 1/9, Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết nước này đã ấn định mức trần giá gạo trên thị trường bán lẻ trong nước.

Cụ thể, Philippines ấn định giá trần cho gạo xay xát thông thường ở mức 41 peso/1kg (tương đương khoảng 0,72 USD/1kg). Trong khi đó, giá của gạo xay xát kỹ được ấn định ở mức 45 peso/1kg (tương đương khoảng 0,79 USD/kg).

Các mức giá trần này có hiệu lực cho đến khi có quyết định tiếp theo của Tổng thống. Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết các mức giá trần nói trên đều thấp hơn so với mức giá bán trên thị trường trong nước tính đến ngày 30/8.

Thông báo của Văn phòng Tổng thống cho biết quyết định áp giá trần được đưa ra sau khi ghi nhận tình trạng thao túng giá bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan ở Philippines, như nạn đầu cơ tích trữ của các thương nhân và sự câu kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gạo.

Tại Malaysia, chi phí nhập khẩu gạo tăng đến 36%. Hôm 1/9, Padiberas Nasional, công ty độc quyền nhập khẩu, thông báo điều chỉnh giá gạo trắng nhập khẩu từ 2.350 ringgit/tấn (tương đương 505 USD/tấn) lên 3.200 ringgit/tấn (tương đương 688 USD/tấn) do các yếu tố như biến đổi khí hậu, đồng nội tệ suy yếu, chi phí vận hành cao và các xung đột trong khu vực.

Guinea đã cử Bộ trưởng Thương mại đến Ấn Độ, trong khi Singapore, Mauritius và Bhutan đề nghị New Delhi miễn trừ họ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực.

Liên đoàn gạo quốc gia Myanmar đã đề nghị tạm dừng xuất khẩu để hạ nhiệt giá gạo trong nước đang tăng cao. Tuy nhiên, Chính phủ Myanmar đã bác bỏ đề xuất này.

Giá gạo xuất khẩu sẽ tăng đến đâu?

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á.

Gạo rất quan trọng đối với chế độ ăn uống của hàng tỉ người và đóng góp tới 60% tổng lượng calo tiêu thụ của người dân ở các khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Theo các chuyên gia, giá gạo tăng đột biến luôn gây tổn thương nhiều nhất cho người tiêu dùng nghèo.

Mối lo ngại cấp bách nhất hiện nay là liệu Thái Lan và Việt Nam có theo chân Ấn Độ để áp dụng các biện pháp kiểm soát đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu gạo hay không. Nếu điều đó xảy ra, rất có thể, giá gạo xuất khẩu trên thế giới vượt quá 1.000 USD/tấn.

Thái Lan thường sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo xay, một nửa trong số đó được tiêu thụ trong nước, nửa còn lại thường được xuất khẩu. Mặc dù Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo nhưng các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang tỏ ra lo ngại về sự biến động của giá cả và sự không chắc chắn về nguồn cung.

Với lượng gạo xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt theo đó được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, tính đến tháng 8 năm nay, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, những diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia đang là những vấn đề tác động mạnh đến thị trường lúa gạo toàn cầu. Thị trường thương mại gạo thế giới vẫn đang chứa đựng nhiều biến động, rủi ro.

Trước các biện pháp ứng phó từ nhiều quốc gia và bối cảnh nguồn cung gạo ngày càng thắt chặt như hiện nay, một số chuyên gia ngành hàng này cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể tăng tiếp. Song từ nay đến cuối năm chỉ quanh mốc 600 - 800 USD/tấn, rất khó đạt ngưỡng 1.000 USD/tấn như 2008.

Và với Việt Nam, các Bộ, ngành chức năng vẫn giữ vững quan điểm xuất khẩu khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo, đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thể hiện uy tín, vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu trung bình 8 tháng đầu năm đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm lên đến gần 650 USD/tấn.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: thị trường Thái Lan

Tin cùng chuyên mục

Số lượng C/O ưu đãi được cấp năm 2024 tăng 18%

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Giá trị miến dong Kiên Sơn tăng cao nhờ kinh doanh trên Sàn Việt

Thương mại điện tử thổi luồng sinh khí mới cho hợp tác xã

Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Mật ong Cẩm Tú - Tinh hoa từ vườn nhãn lên sàn thương mại điện tử

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024