Phát triển doanh nghiệp logistics: Vẫn là bài toán vốn
Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam có khoảng 3.000 DN đang cung cấp dịch vụ logistics, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không… Tuy nhiên, nhìn chung các DN hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô vốn đăng ký nhỏ, cũng như quy mô lao động hạn chế. Cụ thể, có tới 90% số DN dịch vụ logistics có vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp logistics Việt Nam |
Quy mô DN hạn chế khiến các DN logistics Việt Nam mới chỉ tham gia làm các dịch vụ cung ứng đơn lẻ trong lãnh thổ Việt Nam như dịch vụ giao nhận, dịch vụ đóng gói, cho thuê kho bãi, dịch vụ hải quan... Trong khi đó, các dịch vụ tích hợp, mang tính liên vận quốc tế đều do các DN logistics nước ngoài cung cấp.
Trước vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, hiện nay chi phí logistics ở Việt Nam còn cao so với mức trung bình của thế giới. Bên cạnh đó, thiếu sự liên kết đồng bộ giữa DN cung cấp các công đoạn khác nhau của chuỗi logistics; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa được cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0…
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP, biến Việt Nam thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao gấp gần 2 lần so với GDP. Đây là thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng thuận lợi hay cơ hội này, cần tạo ra một môi trường kinh doanh tốt về thể chế chính sách để các DN logistics có thể phát triển nhanh và bền vững.
Thêm các chương trình vay lãi suất ưu đãi
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN logistics, theo ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, đầu tiên cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho DN. Trên thực tế, không quá khó khăn để các công ty vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực logistics hay những ngành nghề khác có thể vay được vốn ngân hàng. Tuy nhiên, vay được bao nhiêu và vay như thế nào là những vấn đề thiết thực hơn đối với DN.
"Tại những quốc gia phát triển, hệ số đòn bẩy tài chính (tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản hình thành từ vốn vay) có thể lên đến 1:6 hoặc 1:7 đối với ngành vận tải đường bộ khi DN logistics đi vay mua hoặc thuê mua tài chính phương tiện vận tải để phát triển dịch vụ. Tại Việt Nam, tỷ lệ này thường là 1:2, nếu tính cả vốn lưu động và vốn cố định đầu tư vào một tài sản vay mua cụ thể. Đây chính là rào cản rất lớn cho các DN vừa và nhỏ có thể phát triển nhanh" - ông Trần Đức Nghĩa phân tích.
Cũng theo ông Trần Đức Nghĩa, lãi suất là vấn đề tiếp theo đối với các DN logistics vừa và nhỏ. Một trong những chương trình ưu đãi lãi suất tốt nhất cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam đến từ nguồn vốn vay JICA của Nhật Bản. Chương trình đã đặt ra giới hạn thấp về tổng tài sản và số lao động của đối tượng được vay từ nguồn vốn này. Tuy nhiên, các DN thường chỉ tiếp cận được nguồn vốn này trong một giai đoạn phát triển rất ngắn. "Để hỗ trợ cho sự phát triển của các DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics nói riêng và các DN vừa và nhỏ nói chung, nên chăng Ngân hàng Nhà nước quan tâm đến việc thiết kế một chương trình ưu đãi lãi suất tương tự" - ông Trần Đức Nghĩa nói.
Trong những năm gần đây, ngành logistics đã tăng trưởng liên tục với tốc độ hai con số và dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì trong thời gian tới. Vì vậy, cần có các giải pháp giúp DN logistics của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững. |