“Cơ hội vàng” thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp Giải bài toán nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp: Cần kết nối cung - cầu chặt chẽ |
Khu công nghiệp - điểm dừng chân của các nhà đầu tư
Chiều 26/8, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và trao chứng nhận bình chọn khu công nghiệp tiêu biểu năm 2022. Theo thông tin đưa ra tại diễn đàn, hiện Việt Nam có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ban điều hành Diễn đàn |
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Việc hình thành và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là hướng đi chiến lược quan trọng của Việt Nam trong việc kêu gọi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Để các khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai nghị định trên, do tiến trình hội nhập sâu rộng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến một số quy định về quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế bắt đầu xuất hiện bất cập.
Trên cơ sở đó, tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 đang mắc phải.
Theo đánh giá của ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35 là việc làm thiết thực, phù hợp với tình hình khách quan, nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý, góp phần hình thành những khu công nghiệp chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.
Các ý kiến tại Diễn đàn đều đánh giá cao những điểm mới tại Nghị định 34 về quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế |
Khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư vào khu công nghiệp
Đánh giá cao những điểm sửa đổi của Nghị định 35, bà Trần Thị Tố Loan – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ- cho rằng: So với Nghị định 82 trước đây về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến những vấn đề về phân loại cụ thể các quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, vai trò của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhà đầu tư cũng được chú trọng. Địa phương được trao quyền nhiều hơn, ngoài ra Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng.
“Tất cả những thay đổi, sửa đổi này đều giúp tiết kiệm thời gian triển khai dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư, định hướng nhà đầu tư. Đặc biệt, tránh được quy trình phức tạp và kéo dài ở việc điều chỉnh hiện đang gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án, vì trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà lúc thành lập dự án không thể tính toán hết được” – Bà Trần Thị Tố Loan thông tin.
Ngoài ra, tại Nghị định 35 cũng đã phân rõ ràng các loại hình khu công nghiệp, bao gồm: Khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ.
Tại Nghị định 82 chưa nêu rõ các tiêu chí của mỗi loại hình khu công nghiệp mà chỉ để cập nhật hành lang pháp lý thì tại Nghị định 35 đã có hướng dẫn rõ hơn về mặt pháp luật, giúp nhà đầu tư xác định phương hướng rõ ràng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Đại Nghĩa – CEO FIIVN, chính sách khu công nghiệp sinh thái là đối tượng được quy định rất kỹ trong Nghị định 35. Với chủ trương phát triển bền vững, việc khuyến khích phát triển mô hình này là rất thiết thực, điều đó giúp thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là giảm phát thải khí các-bon.
Với rất nhiều điểm mới được đưa ra tại Nghị định 35, GS, TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - cho rằng: Nghị định 35 góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về khu công nghiệp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào các mô hình hoạt động khu công nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, tăng việc làm có chất lượng tại địa phương thông qua cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận cho các Khu công nghiệp tiêu biểu năm 2022. Đây là sự kiện thường niên do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức nhằm động viên, khuyến khích các chủ đầu tư khu công nghiệp đã tạo nên những khu công nghiệp xanh, sạch, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Để có được kết quả bình chọn khách quan, chính xác, trước đó Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng bình chọn và thẩm định bao gồm các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, quy hoạch kiến trúc, môi trường, xây dựng, bất động sản… Trong tổng số hàng trăm khu công nghiệp trên cả nước, Ban tổ chức đã chọn ra 12 khu công nghiệp tiêu biểu năm 2022, 4 khu công nghiệp đạt những tiêu chí vượt trội là: Khu công nghiệp thân thiện với môi trường; khu công nghiệp có hạ tầng an sinh tiêu biểu; khu công nghiệp có hạ tầng công nghiệp và Logistics đồng bộ. |