Ngành gỗ đối diện thách thức lớn
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Hiện có một bức tranh rất ảm đạm về thị trường gỗ, khi doanh thu và đơn hàng của các doanh nghiệp đang suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn, ông có chia sẻ gì thêm về vấn đề này?
Qua thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp và khảo sát của các Hiệp hội gỗ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều cho thấy bức tranh cho ngành chế biến gỗkhông sáng. Vài tháng gần đây đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm 50%.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương |
Riêng ngành gỗ và lâm sản, 6 tháng đầu năm tăng trưởng trên 1% là nhờ sự tăng trưởng từ 3 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, với mức tăng trưởng xuất khẩu từ 30 - 40% do Việt Nam XK dăm gỗ và viên nén sang thị trường này.
Lâu nay, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu dăm gỗ từ thị trường Brazil. Tuy nhiên, do chi phí xăng dầu tăng, nên Trung Quốc chuyển nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu gỗ đi EU, Hoa Kỳ, Anh đều giảm, thậm chí có thị trường giảm tới 50%.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm chính của Việt Nam, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đang có sự giảm tốc. Đâu là nguyên nhân và giải pháp đặt ra cho doanh nghiệp những tháng cuối năm, thưa ông?
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,25 tỷ USD, giảm 0,6 %.
Ngành gỗ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu |
Đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh… là những nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao. Trong tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ tăng 8,6% so với một năm trước đó, Anh tăng 9,1%, khu vực đồng tiền chung EU tăng 8,6%. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại thực hiện tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu giảm. Việc này dẫn đến tồn kho sản phẩm đồ gỗ tại các thị trường này còn khá nhiều.
Ông nhận định như thế nào về bức tranh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong cả năm nay, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?
Theo tôi, năm nay, khả năng tăng trưởng khoảng vài phần trăm đã là rất tốt rồi, không thể đạt được con số 19% như năm ngoái. Bởi lẽ, dư địa cho ngành gỗ phát triển là rất khó, trừ khi có những đột biến về thị trường, về đầu tư của doanh nghiệp cũng như thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Nhận định về thị trường cũng rất khó đoán định, do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, ngành gỗ là ngành sản xuất, xuất khẩu là chính. Tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gần như không khả thi.
Do suy thoái kinh tế, trừ ngành thực phẩm còn hầu như các ngành đều sụt giảm, trong đó ngành gỗ có sự sụt giảm mạnh nhất. Trong bối cảnh nhiều ngành xuất khẩu cùng sụt giảm thì sự hỗ trợ của Chính phủ có lẽ rất khó. Hiệp hội và doanh nghiệp cần tự tìm giải pháp cho mình để vượt qua khủng hoảng.
Xin cảm ơn ông!