Tập đoàn Quanta - một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới - chọn Nam Định làm địa điểm để xây dựng nhà máy mới cho thấy để thu hút các doanh nghiệp lớn không chỉ cần hạ tầng cứng mà còn cơ chế mềm, môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Khi "sếu đầu đàn" chọn đậu nơi đất lành
Những ngày tháng 4, tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, không khí lao động hối hả với hàng trăm phương tiện máy móc đang san ủi đất, làm đường, lắp đặt hạ tầng điện, nước... để đón một trong những con sếu lớn của thế giới là Quanta - Tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung Quốc) - về “xây tổ”. KCN Mỹ Thuận có quy mô hơn 158,48 ha, trong đó riêng nhà máy của Quanta dự kiến sử dụng khu đất khoảng 22,5ha cho giai đoạn 1.
Theo ông Huang Chen-Tang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quanta tại nước ngoài, Quanta lựa chọn Nam Định để đặt nhà máy bởi bởi nhìn thấy nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà máy sản xuất máy tính của Quanta sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận cũng được đánh giá có cơ sở hạ tầng đồng bộ và cơ chế chính sách, thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hỗ trợ thị trường tốt và lao động có tay nghề cao tại địa phương. Trong quá trình tiếp cận, xúc tiến, triển khai đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến tích cực làm gia tăng sức hút đầu tư của Nam Định.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định và lãnh đạo Tập đoàn Quanta ký thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn tại KCN Mỹ Thuận. |
Nhằm giúp các sếu đầu đàn đến làm tổ thành công, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, khẳng định Nam Định cam kết với các nhà đầu tư sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý trong quá trình nhà đầu tư triển khai xây dựng, khai thác và vận hành dự án.
Để dự án của Quanta sớm được triển khai thực hiện, ông Nghị yêu cầu chủ đầu tư KCN Mỹ Thuận cần tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng và các thủ tục có liên quan đáp ứng phù hợp với nhu cầu về quy mô, tiến độ đầu tư đối với dự án. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành của tỉnh tập trung hỗ trợ tối đa cho Quanta và Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường... với phương châm thành công của nhà đầu tư góp phần vào thành công chung của tỉnh.
Cách làm riêng của Nam Định
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, tỉnh Nam Định có những cách đi riêng trong việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Thay vì ồ ạt mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư thì Nam Định ưu tiên thu hút những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông Túc cho biết, có những doanh nghiệp muốn đầu tư hàng tỷ USD để chăn nuôi lợn ở Nam Định, nhưng tỉnh không chấp thuận vì có thể ảnh hưởng tới môi trường. Phương châm của lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút doanh nghiệp đến đầu tư là “quỹ hồ tinh, bất quý hồ đa”, lượng doanh nghiệp nhiều cũng tốt nhưng doanh nghiệp nhiều mà đóng góp cho sự phát triển của tỉnh ít cũng không phải tốt. “Nam Định đi sau nhưng may là cơ hội chọn lựa bước đi vững chắc”, ông Túc nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng cho biết Nam Định đang đầu tư về hạ tầng giao thông, quy hoạch kinh tế - xã hội tới 2030 tầm nhìn 2050 để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và thông tin thêm, tỉnh Nam Định có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư theo hướng riêng.
“Chúng tôi làm quy hoạch thì công khai luôn để doanh nghiệp tham gia”, ông Túc nói.
Ông Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định. (Ảnh: TTXVN) |
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng quan điểm của Nam Định trong thu hút đầu tư rất đúng đắn. Bởi chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam gần đây đang có xu hướng chuyển từ thu hút bằng mọi giá sang có chọn lọc nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, hạn chế các dự án tác động tiêu cực tới môi trường hay sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng…
Ông Long cho rằng để có được những "tổ đại bàng" thật sự lớn ngoài câu chuyện hoàn thiện hạ tầng cứng như mặt bằng cơ sở sản xuất, giao thông, điện nước, thì cần có cơ chế mềm như cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng giải quyết nhanh gọn, chính xác nhu cầu của nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường…
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hoá mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”.
Cụ thể hoá quan điểm đó, năm 2022, với vai trò quản lý nước của mình, Bộ Công Thương đã nỗ lực tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây là lần đầu tiên có một Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Một điểm nhấn quan trọng nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW là đã làm rõ lộ trình, bước đi trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện và xác định: “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng”.
Để nghị quyết nhanh đi vào cuộc sống, vùng đồng bằng sông Hồng sớm tiến nhanh trên đôi chân công nghiệp hóa, hiện đại hoá, rất cần những cách làm sáng tạo, những tư duy thu hút đầu tư như ở Nam Định!