Mục tiêu một điểm đến hay tầm nhìn chiến lược cho hàng dệt may Việt Nam
Ông Cao Hữu Hiếu- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho hay, trong tháng 7/2024, Tập đoàn sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang Vinatex (Vinatex PD&B). “Bản chất của Trung tâm là chuyên làm hàng FOB (chủ động nguyên liệu, sản xuất), hướng đến trọng tâm phát triển chuỗi chiến lược dệt kim đã định hình trong giai đoạn đến năm 2025. Hiện nay chúng tôi đã có đủ cả sợi, dệt nhuộm, may nhưng chưa phát triển thị trường và khâu thiết kế nhằm bán trọn gói cho khách hàng từ thiết kế đến nguyên liệu và sản xuất”, ông Hiếu nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, bài học từ sau Covid - 19 cũng như hai năm vừa qua, khi nhu cầu dệt may thế giới suy giảm gần 30% so với trước dịch cho thấy mô hình kinh doanh ngành dệt may thế giới đã có nhiều thay đổi. Người mua hàng có xu hướng tìm đến nhà cung cấp có khả năng cung cấp “giá trị gia tăng”, có chuỗi liên kết, dịch vụ trọn gói đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, hướng đến là đối tác thay vì chỉ là nhà máy gia công đơn thuần. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất phải thay đổi về chất, xây dựng đội ngũ và hệ thống vận hành đáp ứng được các yêu cầu mới của khách hàng.
Doanh nghiệp dệt may trong nước chú trọng phát triển thiết kế mẫu mã nhằm tăng giá trị cho sản phẩm. Ảnh: Việt Nga |
Về mô hình hoạt động của Trung tâm Vinatex PD&B, ông Vương Đức Anh- Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Trung tâm Thời trang Vinatex, cho biết, Trung tâm xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng xanh, bền vững. Tập trung chủ yếu phát triển hàng FOB, ODM (thiết kế, nguyên liệu, sản xuất), OBM (thiết kế, nguyên liệu, sản xuất, phân phối) cho xuất khẩu và nội địa, được trang bị đầy đủ chức năng để cung cấp trọn gói giải pháp cho khách hàng từ khâu thiết kế (thiết kế 3D); lựa chọn nguyên phụ liệu với showroom và thư viện vải đa dạng, phong phú.
Studio tiêu chuẩn và sáng tạo hỗ trợ khách hàng trong quá trình phát triển mẫu; chào giá; may mẫu, fit mẫu; quản lý đơn hàng sản xuất tại nhà máy; phòng lab kiểm định chất lượng sản phẩm được quy hoạch để trang bị đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm mới của khách hàng.
Việc phát triển Trung tâm Vinatex PD&B không chỉ dựa trên thế mạnh sẵn có mà còn là tầm nhìn chiến lược về thị trường của doanh nghiệp dệt may trong nước.
Trong tổng cầu dệt may thế giới, hàng dệt kim thường chiếm 50%, là nhóm hàng cạnh tranh, giá thấp, dễ làm. Các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ có lợi thế về giá nhưng doanh nghiệp dệt may trong nước xác định lợi thế khi liên kết chuỗi dệt kim sẽ “thắng” về tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm. Một yếu tố “chắc thắng” nữa là doanh nghiệp có khả năng kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào cho đến vải thành phẩm.
Đặc biệt, nhìn về dài hạn, Trung tâm Vinatex PD&B còn góp sức đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” hoặc kể cả “từ sợi trở đi” khi xuất khẩu đi châu Âu và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
“Chúng tôi tự tin vì xác định bản thân thương hiệu “made in Vietnam” cũng khác với “made in Bangladesh, Pakistan, India...”, trong giỏ hàng của người mua bao giờ cũng có “room” nhất định để đặt và sản xuất hàng dệt kim tại Việt Nam, điều quan trọng phải biết cách tiếp cận và khai thác “room” này của khách hàng”, ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.
Số doanh nghiệp có đủ tiềm lực để xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và có chuỗi cung ứng dệt kim hoàn thiện như Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại Việt Nam là chưa nhiều. Tuy nhiên, trong khả năng của mình, nhiều doanh nghiệp đã phát triển khâu thiết kế, sản xuất hàng FOB, nâng dần tỷ lệ hàng ODM, OBM nhằm tạo giá trị khác biệt, giá trị gia tăng cho hàng dệt may xuất khẩu.
Tổng công ty May 10- CTCP là một điển hình, với hơn 30 nhà thiết kế và khoảng 200 người làm trong khâu thiết kế sản phẩm mới. Cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế như công nghệ 3D, AI…, theo ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc May 10, tính hội nhập hiện nay của các nhà thiết kế Việt Nam đã hội nhập và bắt kịp với trình độ thiết kế của thế giới.
May 10 vẫn tiếp tục phối kết hợp với các nhà thiết kế hàng đầu ở Ý, Pháp, Mỹ để giao thoa, hội nhập nhanh, sớm với các nhà thiết kế hàng đầu của thế giới để sản xuất các bộ sưu tập cho người Việt Nam nhưng chất lượng kiểu dáng mẫu mã ngang tầm với quốc tế.
Đến nay, thương hiệu May 10 không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn giành niềm tin của đối tác nước ngoài. Hiện 80% sản lượng của May 10 dành cho xuất khẩu.
Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu một điểm đến, cũng đồng thời bước lên một nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường dệt may đã có sự thay đổi nghiêng về chất nhiều hơn lượng, cùng sự lên ngôi của tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam là cần thiết và có tầm nhìn chiến lược.