Ma trận 769 đầu sách tham khảo bủa vây học sinh nghèo
Loạn sách tham khảo
Chỉ cần truy cập vào trang Website của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXB) https://www.nxbgd.vn/bai-viet/danh-muc-sach-tham-khao-dung-trong-tvth-tu-nam-hoc-2019-2020, cha mẹ học sinh sẽ như lạc vào “ma trận”, chỉ riêng danh mục sách tham khảo cho năm học 2019-2020 cho khối tiểu học cũng đã có 409 đầu sách chính thức, còn cả 3 cấp: Tiểu học, Trung học cơ sở, Phổ thông trung học thì con số lên đến 769 đầu sách tham khảo.
Một lượng kiến thức khủng khiếp trong 769 đầu sách tham khảo này chắc chắn rằng chẳng có thư viện trường nào có đủ tiền để mua được số sách này, bởi nếu tính theo giá bìa thì số tiền để mua cũng không hề nhỏ, quyển ít tiền nhất có giá 12.500 đồng còn cao nhất lên đến 190.000 đồng.
NXB giáo dục Việt Nam đã từng có văn bản số 1073/NXBGDVN-TTTV ký ngày 21/8/2019 về giới thiệu danh mục sách tham khảo dùng cho thư viện trường học từ năm 2019-2020 gửi đến các Sở giáo dục và đào tạo cùng các công ty sách- thiết bị trường học trên toàn quốc. Không biết các Sở giáo dục có chỉ đạo đến các trường học hay không nhưng chắc chắn một điều rằng, nhiều cha mẹ học sinh tại nhiều địa phương trên cả nước đã phải nộp tiền mua sách giáo khoa kèm với sách tham khảo mà mình không hay biết.
Một minh chứng cho thấy theo thông báo NXB Giáo dục Việt Nam, năm học 2018-2019 sách giáo khoa lớp 1 có 06 cuốn với tổng giá thành bán lẻ là 47.500 đồng, nhưng ngay tại Hà Nội, cha mẹ học sinh lớp 1 phải mua tới 25 đầu sách.
Còn vào đầu năm học 2022-2023, mặc dù các em học sinh trên cả nước đã được nghỉ hè, tuy nhiên nhiều trường học đã thông báo phụ huynh đăng ký mua sách. Và tất nhiên danh mục số lượng sách mà nhiều trường đưa ra thường nhiều hơn so với danh mục được NXB giáo dục công bố trên trang website của mình.
Cụ thể một phụ huynh có con học lớp 4 ở Hà Nội vừa nộp số tiền 443 nghìn đồng để mua bộ sách giáo khoa với 14 đầu sách với số tiền 280.900 đồng và 2 bộ đồ dùng học tập lớp 4. Trong khi ngày 12/4/2022 trên trang website của Nhà xuất bản giáo dục, đơn vị này công bố bảng giá sách giáo khoa phục vụ năm học 2022-2023 trong đó bộ sách giáo khoa lớp 4 chỉ có 9 cuốn với tổng số tiền là 87.000 đồng. Như vậy số tiền chênh cho 5 cuốn sách về tin học và tiếng Anh được kèm trong bộ sách lên đến 193.900 đồng.
Loạn sách tham khảo. Ảnh Minh Kỳ |
Điều này đã bộc lộ một khoảng tối trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách giáo khoa hiện nay.
Chị Lê Thị H.Y đang có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương Hà Nội cho biết, năm học 2021-2022 vừa kết thúc, khi dọn sách cho con tôi thấy nhiều quyển sách của con không hề dùng đến và không có trong thời khóa biểu học như quyển Giáo dục An toàn giao thông lớp 3 tuy nhiên do khi mua sách tại nhà trường, phải mua cả bộ chúng tôi không biết sách nào bắt buộc trong chương trình, sách nào tham khảo nên nhà trường yêu cầu nộp tiền như thế nào thì chúng tôi nộp như vậy”.
Cũng theo chị H.Y thì với quyển Giáo dục An toàn giao thông, không nhất thiết phải yêu cầu các con mua, nhà trường hoàn toàn có thể có những bức tranh khổ lớn tuyên truyền bằng các hình vẽ bảng hiệu giao thông hay các tình huống giao thông để trình bày trước lớp học tạo không khí sôi nổi cho các con tìm hiểu, những bức tranh này có thể được dùng đi dùng lại nhiều lần cho các năm học. Với độ tuổi còn nhỏ và ham chơi nên hầu như không có mấy học sinh có ý thức mở cuốn sách này ra xem và tự tìm hiểu.
Vậy ai đang bòn rút túi tiền của người dân nghèo?
Theo báo cáo của NBX Giáo dục Việt Nam, doanh thu bán sách giáo khoa 2000 trong 4 năm liên tục từ 2015-2018 của đơn vị này đã đạt con số 1000 tỷ đồng, và con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2019.
Báo cáo tài chính từ năm 2014-2019, doanh thu của NXB Giáo dục liên tục tăng trưởng. Bắt đầu từ năm 2015, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm gần nhất NXB Giáo dục công bố kết quả kinh doanh là 2019, với sản lượng sản xuất sách giáo khoa là 125,17 triệu bản, tăng 10,2% so với năm 2018, doanh thu đạt kỷ lục 1.428 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng doanh thu sách giáo khoa đã lên tới 967 tỷ đồng.
Doanh thu từ năm 2015-2018 của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh chụp màn hình |
Nhờ đó, lợi nhuận năm 2019 đạt gần 132 tỷ, tăng khoảng 3% và mức này chỉ xếp sau năm 2017 với lợi nhuận trước thuế là 150 tỷ đồng. Tuy vậy, trong năm 2019, số nộp ngân sách của NXB Giáo dục lại giảm xuống còn 91 tỷ đồng so với mức đóng góp 160 tỷ đồng của năm 2018.
Mỗi năm Việt Nam xuất bản hơn 20 triệu bộ sách giáo khoa, các gia đình có con em đi học chi khoảng 10.000 tỷ đồng mua sách, xong vứt xó. Mỗi năm phụ huynh phải bỏ tiền mua ít nhất 01 bộ sách giáo khoa cho mỗi đứa con đang học phổ thông.Cuối năm bộ sách ấy bị vứt xó hoặc bán cho đồng nát.
Tuy nhiên điều mà cha mẹ phụ huynh các em học sinh quan tâm hơn là chất lượng giáo dục liệu có đi kèm với giá tiền mua sách hay không?
Thực tế cho thấy hơn 22 triệu học sinh Việt Nam cần nhiều hơn 20 triệu bộ sách giáo khoa mỗi năm. Chúng ta sẽ phải mất bao nhiêu cây trồng để sản xuất chừng ấy giấy mỗi năm? Sẽ thải ra môi trường bao nhiêu loại hóa chất? làm ô nhiễm bao nhiêu nguồn nước?
Nhìn ở góc độ kinh tế, mỗi bộ sách nếu tăng giá lên 500 đồng, mỗi năm phụ huynh sẽ phải chi 10.000 tỷ đồng chỉ để mua sách. 10.000 tỷ đồng sẽ tạo ra cơ hội béo bở cho những người có liên quan, với lợi ích to lớn như vậy, không dễ gì để họ nhả ra.
Mảnh đất màu mỡ cho “hàng giả”
Trước những khoản lợi nhuận “kếch xù” từ việc in ấn và xuất bản sách giáo khoa, bên cạnh đó là hàng loạt sách tham khảo với hàng loạt hướng dẫn khác nhau cùng việc cải cách chương trình giáo dục đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho sách giáo khoa giả, sách in lậu lên ngôi.
Giữa năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát (Hà Nội). Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an Hà Nội và NXB Giáo dục Việt Nam phát hiện một đường dây in, gia công, tiêu thụ gần 3 triệu cuốn sách giả sản phẩm của NXB Giáo dục Việt Nam tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát.
Nguyên nhân là từ năm học 2020-2021 trở đi, khi các bộ sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dần được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và có giá cao hơn giá sách giáo khoa hiện hành, nên đã trở thành miếng mồi béo bở cho các đối tượng in lậu.
Do không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế, chất lượng giấy và mực in kém… nên sách giả có giá thành rất thấp, các đối tượng in, phát hành xuất bản phẩm lậu, giả có thể bán với chiết khấu cao hơn so với giá bìa để thu hút người mua. Nhờ đó lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu, giả mang lại là rất lớn.
Thực tế cho thấy dù ở góc độ nào, thì thiệt thòi vẫn luôn là các em học sinh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ gì trước tình trạng bội thực sách giáo khoa, những hệ lụy của nó và những sáng kiến bòn tiền của dân như thế này?