Hé lộ tổ chức đứng sau nhóm "Bông hồng đen" tự ý lấy mẫu xét nghiệm máu học sinh tại Hải Phòng Nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS: Còn nhiều thách thức |
Tạm dừng hoạt động của nhóm Bông hồng đen
Trước đó, ngày 18/8, một số phụ huynh phản ánh, tại căn nhà số 44 đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Hải Sơn, TP Hải Phòng, có một nhóm phụ nữ lấy máu hàng loạt học sinh. Cũng theo một số người dân cho biết, để "lôi kéo" thành viên của nhóm này còn nhắn tin cho một số học sinh đến lấy máu và lấy vân tay, mỗi trường hợp sẽ được nhận 100.000 đồng, nếu rủ thêm được người khác, sẽ nhận thêm 25.000 đồng/người.
Đáng nói, hoạt động của nhóm này không thông báo với chính quyền địa phương, không thông qua phụ huynh hay nhà trường... Sự việc đã thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân địa phương, đặc biệt khiến nhiều phụ huynh có con em đang học trên địa bàn lo lắng, bất an.
Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế TP Hải Phòng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hải Phòng báo cáo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường việc quản lý và chấn chỉnh các hoạt động của nhóm cộng đồng triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Cơ quan chức năng phường Hải Sơn làm việc với nhóm Bông hồng đen |
Thông tin mới nhất về vấn đề này, ngày 22/8, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhóm "Bông hồng đen - cầu vồng đen" là một nhóm tự lực thường được gọi là tổ chức dựa vào cộng đồng, tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tháng 8/2011. Nhóm này hiện đang triển khai hoạt động của dự án "Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam" tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng.
Nhóm có thỏa thuận hợp tác từ tháng 12/2022 của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), với nguồn tài trợ từ Tổ chức Expertise France của Pháp. Ngoài ra, nhóm Bông hồng đen còn triển khai một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ giai đoạn 2021-2023.
Cục này thông tin, nhóm Bông hồng đen có hợp tác với hai dự án thực hiện các hoạt động bao gồm tiếp cận và can thiệp khách hàng là người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 16 đến 24 tham gia nghiên cứu sàng lọc hành vi; tư vấn và xét nghiệm HIV; tiếp cận nhóm có hành vi nguy cơ cao như người quan hệ tình dục đồng giới (MSM); người tiêm chích ma túy, thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng; giới thiệu người nhiễm HIV điều trị...
Cũng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, qua báo cáo, nhóm "Bông hồng đen" có 5 thành viên, trong đó có 1 thành viên đã tham gia lớp tập huấn về tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng thông tin theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng và Trung tâm SCDI, từ ngày 1/1 đến 18/8, nhóm này đã thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV 204 người và đều có kết quả âm tính. |
Về phần chi trả phí cho người tham gia xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin, trong kế hoạch hoạt động được nhà tài trợ đồng ý có hỗ trợ chi trả cho người tham gia nhận dịch vụ tư vấn xét nghiệm là 100.000 đồng. Do đó, việc nhóm chi trả cho người tham gia xét nghiệm đúng với đề cương của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, về độ tuổi người được xét nghiệm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, có thể không đảm bảo tính chính xác do người được xét nghiệm tự thông báo về tuổi và không xuất trình các giấy tờ chứng minh nhân thân trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, trước đó, tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, có 12 trẻ vị thành niên. Có 4 cháu đều dưới 16 tuổi.
Đại diện UBND quận Đồ Sơn cũng cho biết, trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, bà Đinh Thị Út, trưởng nhóm Bông hồng đen đã thừa nhận "sai sót" trong việc chưa xác định độ tuổi của khách hàng cũng như xác định đối tượng có phải người sử dụng ma túy hay không.
Bà Đinh Thị Út khẳng định, học sinh không thuộc đối tượng mà nhóm thực hiện lấy máu xét nghiệm HIV. Đối tượng của nhóm là những người có độ tuổi từ 16 trở lên có sử dụng ma túy, người có nguy cơ nhiễm HIV. Đồng thời, bà Út cũng thừa nhận đã không báo cáo chính quyền địa phương về việc lấy máu.
Nhóm "Bông hồng đen tại buổi làm việc với cơ quan chức năng |
Mặc dù theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc nhóm Bông hồng đen triển khai cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng là phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xét nghiệm HIV tại cộng đồng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm HIV sang người được xét nghiệm HIV. Các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của nhóm Bông hồng đen để tiếp tục xác minh sự việc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc nhóm này hoạt động không đúng quy định khi chưa xin phép chính quyền địa phương, lấy máu xét nghiệm không đúng độ tuổi, đối tượng có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm khắc.
Được biết, hiện Công an quận Đồ Sơn tiếp tục điều tra, xác minh các hoạt động của nhóm Bông hồng đen, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ nếu có dấu hiệu sai phạm, xử lý kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ở góc độ pháp lý về vấn đề này, trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc tự nguyện xét nghiệm HIV/AIDS là một hành động được nhà nước và pháp luật khuyến khích, góp phần vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định cụ thể về các điều kiện đảm bảo cho công tác xét nghiệm HIV/AIDS được đảm bảo cho từng đối tượng, độ tuổi và năng lực hành vi dân sự.
Theo thông tin báo chí phản ánh, nhóm Bông hồng đen được Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng ký thỏa thuận hợp tác để thực hiện dự án của Trung tâm SCDI theo quyết định của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tại quyết định nói trên, nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm SCDI có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương nơi triển khai hoạt động cụ thể của dự án, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trong khuôn khổ dự án.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương xác nhận, không nhận được thông tin và xin phép của nhóm bông hồng đen, bên cạnh đó hiện tại chưa có bất kỳ thông tin nào xác nhận về UBND TP.Hải Phòng phê duyệt/biết về dự án của Bông hồng đen hoạt động trên địa bàn.
"Trong trường hợp nhóm bông hồng đen chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV/AIDS thì có thể bị xử lý về hành vi “xét nghiệm HIV khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV” theo điểm b khoản 4 Điều 20 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Theo đó, nhóm đối tượng này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng" - luật sư Tiền cho biết.
Từ ngày 1/1 đến 18/8, nhóm này đã thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV 204 người. Ảnh minh hoạ |
Mặt khác, theo thông tin nhận được đối tượng được nêu trong nội dung thỏa thuận (lấy mẫu máu xét nghiệm), là người sử dụng ma túy, heroin từ 16-24 tuổi. Như vậy, việc nhóm bông hồng đen hoạt động không báo cáo chính quyền địa phương, lấy máu xét nghiệm là các cháu học sinh dưới 16 tuổi là không đúng nội dung của Quyết định và thỏa thuận nói trên.
Hơn nữa, căn cứ tại khoản 1, 2 Điều 27 Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, sửa đổi năm 2020, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV. Còn đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.
Vậy nên, nếu tiến hành xét nghiệm HIV/AIDS cho các em học sinh dưới 15 tuổi thì bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của bố mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của các em.
Theo đó, với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhóm Bông hồng đen, SCDI phải thực hiện việc quản lý, rà soát các quy trình của dự án để đảm bảo việc kiểm soát các tổ chức cộng đồng thực hiện đúng các hướng dẫn của dự án và các quy định chuyên môn đối với hoạt động tại cộng đồng. Trong trường hợp phát hiện hoạt động của các tổ chức thuộc quản lý của đơn vị mình không tuân thủ quy định pháp luật, phương hướng triển khai của dự án, SCDI cần phải đưa ra những phương án xử lý kịp thời và phù hợp để đảm bảo sức khỏe của những người tham gia lấy máu xét nghiệm nói riêng và sức khỏe cộng đồng nói chung.
Bên cạnh đó, trong vụ việc này, nhóm Bông hồng đen đã thực hiện việc test nhanh HIV/AIDS cho các cháu học sinh chưa đủ 16 tuổi là không đúng đối tượng của dự án và trái quy định của pháp luật (không có sự đồng ý bằng văn bản của gia đình).
Luật sư Tiền cũng chỉ ra: "Theo thông tin mà bà Đinh Thị Út cung cấp, do đảm bảo tính bảo mật thông tin nên không hỏi và xem giấy tờ tùy thân của các đối tượng đến tham gia tư vấn và test nhanh; toàn bộ thông tin là do nhóm của bà Út hỏi đáp với khách hàng là không hợp lý".
Bởi theo quy định hiện hành người lấy mẫu bắt buộc phải thực hiện đầy đủ tư vấn mục đích lấy mẫu. Sau khi có kết quả, cần thông báo lại cho người được lấy mẫu. Nếu kết quả xét nghiệm có phản ứng nghi ngờ nhiễm bệnh cần tư vấn người được lấy mẫu đến cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định HIV theo quy định. Vậy, nếu không có thông tin của các cháu tham gia thì khi có kết quả nhóm này sẽ thông báo như thế nào? Về vấn đề này cơ quan chức năng cần làm rõ.
Mặt khác, theo luật sư, đối tượng các nhóm này hướng đến chủ yếu là các học sinh (chủ yếu là bậc THCS) và hầu hết các học sinh đều có độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi nên việc bà Út cho rằng nhóm của bà không biết là không có căn cứ.
"Ngoài ra, nếu việc tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gây hậu quả nghiêm trọng như bị lây nhiễm HIV thì cũng phải xem xét trách nhiệm quản lý đối với trung tâm này" - luật sư Tiền nói.
Cũng từ vụ việc này, luật sư Tiền khuyến cáo, các bậc phụ huynh và nhà trường cần phải phối hợp để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về HIV/AIDS cho các con, tuyên truyền về các thông tin liên quan đến việc tiến hành kiểm tra HIV. Đồng thời, cơ quan chức năng tại các địa phương cần phải siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động của các tổ chức này trên địa bàn, đảm bảo việc xét nghiệm HIV tuân thủ quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức tiến hành xét nghiệm tự nguyện HIV hoặc xét nghiệm bắt buộc HIV trái pháp luật, không đảm bảo điều kiện như đã nêu trên thì cần có biện pháp xử lý kịp thời, để đảm bảo an toàn cho người dân và tránh các trường hợp lây nhiễm HIV trong cộng đồng.