Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2018, giá hạt tiêu giảm ảnh hưởng đến ngành hạt tiêu Việt Nam, tuy nhiên về dài hạn, ngành hạt tiêu nước ta vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Để nâng cao giá trị mặt hàng, doanh nghiệp và người sản xuất phải thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Đồng thời, ngành hạt tiêu cần nghiên cứu để gia tăng giá trị sản phẩm bằng cách chế biến chuyên sâu như hương liệu, sản phẩm có dược tính, thực phẩm chức năng.
Tháng 12/2018, giá hạt tiêu trong nước giảm so với tháng 11/2018. Cụ thể, ngày 27/12/2018 giá hạt tiêu phổ biến ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg, giảm từ 5,4 - 7,0% so với ngày 30/11/2018.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 12/2018 đạt 12 nghìn tấn, trị giá 39 triệu USD, giảm 4,2% về lượng, nhưng tăng 0,5% về trị giá so với tháng 11/2018, giảm 4,0% về lượng và giảm 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 232 nghìn tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng, nhưng giảm 32,2% về trị giá so với năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 12/2018 đạt mức 3.250 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 11/2018, nhưng giảm 24% so với tháng 12/2017. Năm 2018, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.261 USD/tấn, giảm 37,3% so với năm 2017.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo 6 tháng đầu năm 2019, thị trường hạt tiêu thế giới nhìn chung sẽ khả quan hơn do áp lực dư cung giảm. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2019 dự báo đạt 4,9 triệu tấn, giảm so với 5,2 triệu tấn trong năm 2018. Trong khi đó, diện tích trồng cây tiêu tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm trong năm 2019.