Hộp thư bạn đọc ngày 8/11: Sai phạm tại Khu đấu giá 31ha, Dự án Văn Phú - Invest Yên Phong?
Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh về một số vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Dự án chợ Lăng Cô gây ngập úng; Dự án Văn Phú - Invest Yên Phong “bán lúa non”; Phá vỡ quy hoạch tại Khu đấu giá 31ha.
Thông tin phản ánh: Dù chưa thi công hạ tầng nhưng dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên (Dự án Văn Phú - Invest Yên Phong tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) vẫn được rao bán rầm rộ.
Dự án Văn Phú - Invest Yên Phong mới đang san nền đã rao bán |
Dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên được UBND tỉnh Bắc Ninh ký Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 9/9/2020 phê duyệt cho Công ty trách nhiệm hữu hạn REQ (Công ty REQ) làm chủ đầu tư. Công ty REQ trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án với giá 308,88 tỷ đồng.
Dự án trên có tổng diện tích là 108.308,9m2. Trong đó diện tích đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất là 57.730m2 chia thành 548 lô; đất cây xanh là 17.866m2; đất bãi đỗ xe là 2.677m2; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật là 30.035m2.
Được biết, mặt bằng dự án mới đang được san nền nhưng các web bất động sản đã rao bán dự án này với giá mỗi lô đất từ 24 - 32 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Với diện tích trung bình 115 m2 thì mỗi lô đất có giá từ hơn 2,7 - 3,6 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 419/QĐ-UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 9/9/2020 dự án trên do Công ty REQ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, một số trang website lại giới thiệu Công ty REQ là công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest.
Thông tin phản ánh: Dự án chợ Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) gây ngập úng. Cụ thể, Dự án Chợ Lăng Cô được Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 176/QĐ-KKTCN ngày 15/11/2019. Chủ đầu tư là Hợp tác xã Đầu tư khai thác và quản lý chợ Nam Việt - Lăng Cô.
Dự án có diện tích đất gần 15.000 m2, tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 4 năm 2022.
Theo phản ánh, từ khi thi công (tháng 1/2021) đến nay, người dân sống gần dự án phải khốn khổ vì tình trạng ngập úng. Mỗi mùa mưa lũ thì nhà cửa, vườn tược lại ngập ngụa trong nước đen ngòm khiến cuộc sống của người dân bất an vì lo sợ ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn mầm mống dịch bệnh.
Liên quan vấn đề trên, người dân kiến nghị và chủ đầu tư cũng hứa sẽ cho xây dựng hệ thống cống thoát nước rồi mới triển khai xây dựng chợ. Tuy nhiên, dù dự án đã triển khai trong thời gian dài, các hạng mục đang được hình thành nhưng hệ thống cống thoát nước vẫn chưa được xây dựng.
Thông tin phản ánh: Hàng loạt công trình nhà ở thấp tầng tại Khu đấu giá 31ha (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) đã và đang thi công cải tạo, sửa chữa sai phép ảnh hưởng các hộ xung quanh và gây mất mỹ quan đô thị nhưng vẫn không bị xử lý.
Cụ thể, khu nhà liền kề, biệt thự tại các ô đất từ TT14 đến TT19 do Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) trúng thầu đất đấu giá và triển khai xây dựng từ năm 2018. Đến thời điểm này, toàn bộ các khu nhà thấp tầng đã được chủ đầu tư hoàn thành giao dịch mua bán, bàn giao lại cho khách hàng khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, các chủ nhà đã tự ý cải tạo, sửa chữa không phép hoặc sai phép, làm thay đổi thiết kế, xây vượt về chiều cao, sai mật độ và thay đổi công năng sử dụng, gây ảnh hưởng đến các hộ liền kề, gây mất mỹ quan đô thị.
Đáng nói, những hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị này diễn ra từ nhiều năm nay, công khai và rầm rộ mà không gặp bất kỳ sự trở ngại nào, dù trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Gia Lâm chỉ nằm cách đó vài trăm mét.
Dư luận đặt ra dấu hỏi, có hay không việc bao che cho sai phạm tồn tại việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng địa phương?