Hơn 500 gian hàng tham dự Triển lãm nội thất và xây dựng Việt Nam
Sáng ngày 2/10, diễn ra khai mạc Triển lãm nội thất và xây dựng Việt Nam (VIBE) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) - TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện diễn ra đến hết ngày 5/10/2024, do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh - HAWA phối hợp với Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh (SACA) tổ chức.
Ông Bùi Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), phát biểu tại triển lãm. Ảnh: Thanh Minh |
Triển lãm VIBE 2024 có quy mô hơn 500 gian hàng, hội tụ 150 nhà triển lãm hàng đầu trong các lĩnh vực nội thất, xây dựng và công nghệ như Nippon, Takara Standard, Vicostone, Phúc Mỹ Gia, Nhà Xinh, Bo Concept… nhằm cung ứng ngành toàn diện dành cho thị trường nội địa thông qua loạt giải pháp trưng bày phong cách - kết nối bền vững - cập nhật thông minh.
Điểm nhấn trong lần triển lãm đầu tiên này, Triển lãm nội thất và xây dựng Việt Nam được tổ chức theo mô hình B2D2C: Doanh nghiệp thông qua cộng đồng kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, nhà thầu, đối tượng chuyên môn để cung cấp trực tiếp dịch vụ, sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng. VIBE 2024 sẽ là nền tảng triển lãm toàn diện nhất, quy tụ các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành.
Đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Triển lãm nội thất và xây dựng Việt Nam. Ảnh: Thanh Minh. |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Bùi Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2024, bất chấp những khó khăn và biến động khó lường về kinh tế, chính trị trên thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát... Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng cũng có nhiều biến chuyển tích cực so với năm 2023.
Theo ông Bùi Quang Hưng, với quy mô sản xuất và nhu cầu về tiêu dùng của thị trường nội địa ngày càng lớn, nhưng dường như các doanh nghiệp nội thất trong nước đang tập trung hơn cho thị trường xuất khẩu mà chưa thực sự đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hiện nay, các sản phẩm nội thất cao cấp nhập khẩu từ các nước châu Âu đang chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam. Đây là điều rất đáng tiếc vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới với các đại biểu. Ảnh: Thanh Minh |
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, ông Bùi Quang Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước. Đồng thời, quan tâm thích đáng tới hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể đáp ứng, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững của thế giới cũng như cạnh tranh với các sản xuất nhập khẩu tại thị trường nội địa.
“Với sự đồng thuận, tham gia chủ động, tích cực của Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp ngành nội thất và xây dựng cả trong và ngoài nước, Triển lãm nội thất và vật liệu xây dựng 2024 sẽ được tổ chức thành công. Và trở thành sự kiện xúc tiến thương mại thường niên ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả để các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới; cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các sản phẩm nội thất và vật liệu xây dựng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại tin tưởng.
Khách hàng tham quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Thanh Minh |
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Trưởng Ban tổ chức VIBE - cho biết, Triển lãm VIBE hướng đến 3 tiêu chí: Style (tính phong cách) - Smart (tính thông minh) - Sustainability (tính bền vững), quy tụ gần 150 nhà triển lãm lớn trong các lĩnh vực nội thất, kiến trúc và xây dựng với sự đầu tư nghiêm túc và bàn bản từ thiết kế, dàn dựng cho đến phát triển mẫu mã sản phẩm mới.
Không chỉ dừng lại ở mô hình triển lãm thông thường, VIBE khẳng định tính chuyên môn cao bằng hàng loạt các sự kiện như Diễn đàn nội thất, tọa đàm kiến trúc, hội thảo xu hướng, các hoạt động kết nối giao thương cùng với nhiều workshop sáng tạo, có tính tương tác cao xuyên suốt thời gian triển lãm.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến với triển lãm, khách tham quan có cơ hội được tiếp cận hàng loạt sản phẩm thuộc 3 nhóm: Sản phẩm nội thất phong cách, sản phẩm xây dựng hiện đại, sản phẩm công nghệ và dịch vụ hỗ trợ trong hơn 10.000 m2 diện tích triển lãm.
Khách hàng tham quan khu vực Architecture Space với chủ đề “Bối cảnh mới, bản sắc mới”. Ảnh: Thanh Minh. |
Đặc biệt, đối với khách tham quan yêu thích kiến trúc - nội thất đương đại, cụm gian hàng đặc biệt là điểm đến không thể bỏ qua tại VIBE. Đáng chú ý nhất phải kể đến khu vực Architecture Space với chủ đề “Bối cảnh mới, bản sắc mới”, gồm 20 văn phòng kiến trúc triển lãm các dự án thiết kế ấn tượng.
Ngoài ra, hàng loạt giải pháp thông minh trong các công đoạn từ thiết kế đến sản xuất, thi công, thương mại trong và ngoài nước cũng được giới thiệu đến khách hàng tại triển lãm như: Giải pháp gương vuông góc, hộp tối với màn hình Led của Mia Design studio và mô hình tương tác AR tại không gian triển lãm Giải thưởng Kiến trúc Ashui Awards do ConsMedia phối hợp thực hiện.
Doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ, sản phẩm với khách hàng tại sự kiện. Ảnh: Thanh Minh. |
Đặc biệt, Ban tổ chức chủ động hỗ trợ miễn phí 365 ngày triển lãm trực tuyến trên nền tảng HOPEFAIRS.COM, giúp các đơn vị tham gia số hoá không gian trưng bày, tăng tiếp cận khách hàng xuyên biên giới, tạo động lực chuyển đổi số toàn diện.