Cây lùng xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Nghệ An Về Nghệ An thăm "vua tre" miền Trà Lân |
Cây lùng được nhiều người dân miền núi Nghệ An đặt cho tên gọi là “cây xóa đói, giảm nghèo”. Bởi lẽ, những loại cây này có đặc điểm trồng một lần khai thác nhiều năm, thậm chí không cần chăm sóc vẫn có thể thu hoạch, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình cũng như điều kiện kinh tế của người dân vùng núi.
Chứng chỉ FSC - “giấy thông hành” cho tre lùng
Từ những ưu điểm đó, nên nhiều hộ dân đã hình thành thói quen “cần tiền là vác dao lên rừng khai thác” mà quên mất việc bảo vệ, chọn lọc, tái sinh... Bên cạnh đó, hiện nay, người dân vẫn khai thác bán thô là chủ yếu nên giá trị kinh tế không cao.
Khai thác lùng ở xã Đồng Văn (Quế Phong). |
Chị Lương Thị Tiến - Trưởng nhóm hộ trồng và khai thác Lùng ở bản Mường Hinh, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) cho biết, gia đình chị được nhà nước giao chăm sóc, khai thác 8ha rừng lùng. Tuy nhiên, trước đây, gia đình chị cũng như nhiều hộ trồng lùng ở đây khai thác lùng “vô tội vạ”, lúc nào cần tiền thì vào rừng chặt lùng về bán. Cây nhỏ, cây to đều chặt, cứ chặt theo cách từ ngoài vào trong chứ không hề có kiến thức gì về việc khai thác đi đôi với bảo vệ. Do đó, cây lùng dần thoái hoá, giá lùng nguyên liệu rẻ do chưa đủ trữ lượng.
Cũng như gia đình chị Tiến, gia đình anh Hà Văn Phong ở xã Đồng Văn (Quế Phong) cũng cho biết, trước đây anh cũng như các hộ khác trong bản, khai thác lùng theo kiểu tận thu, không theo kỹ thuật nào, gặp cây nào, chặt cât nấy, cứ chặt cây xong thì mang về bán chứ không biết cách dọn sạch gốc để cây lùng phát triển. Thế nên, có giai đoạn, cây lùng suy thoái, cạn kiệt.
Đó cũng là thực trạng chung của những người dân vùng lùng ở Quế Phong, sở hữu rừng tre lùng tự nhiên nhưng do hạn chế trong kiến thức chăm sóc, thu hoạch nên thường khai thác khi cây lùng còn non, giá bán thấp, giá trị kinh tế mang lại chưa cao.
Dự án đã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, khai thác lùng có chọn lọc. |
Hưởng lợi từ dự án Oxfam về “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre tại Việt Nam”, từ năm 2018 người dân các huyện có cây lùng như Quỳ Châu, Quế Phong đã được tập huấn các kiến thức như: Kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ khai thác rừng lùng tự nhiên theo hướng bền vững, chỉ khai thác khi cây lùng đảm bảo yêu cầu về trữ lượng, tuổi cây và tuân thủ cường độ khai thác theo quy định. Ngoài ra, bà con cũng biết cách nhân giống, trồng thâm canh và khai thác, phục tráng rừng thoái hóa, sơ chế và bảo quản nguyên liệu có hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, giá trị cây tre lùng không ngừng được nâng cao. “Nhờ khai thác đúng kỹ thuật, nhờ có kiến thức chăm sóc lùng sau khai thác nên cây lùng dần hồi sinh, cây lùng to hơn, khoẻ hơn và chất lượng tốt hơn, Dự án kết thúc nhưng bà con đã biết cách phát huy giá trị cây lùng” chị Lương Thị Tiến cho biết.
Cũng theo chị Tiến: “Chăm sóc, khai thác đúng theo quy trình được hướng dẫn đã giúp những hộ dân như chúng tôi có thu nhập ổn định từ rừng lùng. Và nhờ được cấp chứng chỉ FSC nên cây lùng cũng được các thương lái, các công ty, nhà máy thu mua với giá cao hơn, đầu ra ổn định hơn khi thị trường xuất khẩu rộng mở”.
Đặc biệt, đến nay gần 1.000 ha rừng lùng ở xã Đồng Văn, Thông Thụ (huyện Quế Phong) được trao chứng chỉ FSC (tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan). Đây được xem là "giấy thông hành" cho các sản phẩm tre của địa phương để xâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, mang lại thu nhập cao và bền vững hơn.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến sâu
Lùng là loại cây đặc hữu ở các huyện miền núi Nghệ An như: Quế Phong, Quỳ Châu… là nguyên liệu để sản các mặt hàng đan lát thủ công mỹ nghệ, tăm tre, đũa, nhang hương, than hoạt tính… Trong đó, có nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu, mang lại giá trị lớn. Với sự hỗ trợ từ dự án Oxfam, người dân vùng nguyên liệu tre lùng đã biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác lùng và liên kết tiêu thụ nguyên liệu, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Nguyên liệu lùng được sử dụng làm hàng mây tre đan xuất khẩu |
Nghệ An hiện có khoảng 9.000 ha tre lùng, tập trung ở các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông… Trong đó, nhiều nhất là Quế Phong, nơi được coi là “thủ phủ” của cây luồng với diện tích lên đến gần 2.000 ha.
Sau khi gần 1.000 ha lùng ở 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ được cấp chứng nhận FSC đã giúp cây lùng giúp các sản phẩm thủ công từ loài cây này thâm nhập dễ hơn vào các thị trường lớn như EU, Mỹ. Hiện tại, đã có 2 doanh nghiệp ký cam kết trực tiếp thu mua nguyên liệu luồng cho người dân với giá bán cao hơn thị trường.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong – chuyên sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Nghệ An cho biết: “Các sản phẩm mây tre đan khi xuất khẩu phải đáp ứng rất nhiều các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về FSC. Do đó, khi vùng nguyên liệu tre lùng ở Quế Phong được cấp chứng chỉ, công ty đã ký cam kết bao tiêu cây lùng cho bà con với giá ổn định, cao hơn thị trường. Trung bình, mỗi năm, công ty chúng tôi thu mua khoảng 2.000 tấn lùng cho bà con”.
Ngoài ra, hiện nay, tại các vùng lùng tập trung đã thành lập được hàng chục tổ nhóm sản xuất quy mô nhỏ. Trong đó, có 3 nhóm nòng cốt gồm: Nhóm bản Ăng Đừa xã Thông Thụ, bản Pù Khoóng xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) và bản Xẹt 2 xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu.
Thông qua các mô hình tổ nhóm sơ chế này, bà con đã liên kết được với các công ty mây tre đan, với các doanh nghiệp xuất khẩu và các thương lái để bao tiêu cây lùng. Nhờ đó, giá nguyên liệu lùng tăng khoảng 40% so với việc bán cho thương lái như trước đây. Điều này cũng thúc đẩy giá bán nguyên liệu lùng trong vùng được nâng cao trung bình tăng 20 - 30% so với các năm trước.
Ông Lang Văn Hiền - Người trồng lùng ở bản Hủn Na (xã Đồng Văn) cho biết: “Cây lùng dễ trồng, sinh trưởng tốt, không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, ít gãy đổ, không tốn chi phí phân bón… Chỉ cần biết cách bảo vệ, khai thác đúng cách thì hàng năm đều cho thu hoạch. Nay, thông qua các tổ nhóm sơ chế, đầu ra cho cây lùng cũng ổn định hơn, giá bán cao hơn. Do đó, chúng tôi rất yên tâm sản xuất”.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết lùng là cây đặc hữu ở một số huyện miền núi Nghệ An, do đó, việc nâng cao giá trị cây lùng vừa góp phần tạo sinh kế cho người dân, vừa giúp bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.
“Thời gian tới, Quế Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng lùng được cấp chứng chỉ FSC tại 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ với diện tích khoảng trên 1.700ha, sẽ có khoảng 2.600 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Đồng thời, hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu lùng nâng cao kiến thức về chăm sóc, khai thác và kết nối tiêu thụ, tìm kiếm đầu ra cho cây lùng”, ông Hiền chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo tổng kết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/tre tại Việt Nam” được tổ chức tại Nghệ An vào cuối tháng 3/2023, TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ khẳng định: “Muốn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ tre lùng Nghệ An, chúng ta phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này. Các thị trường quốc tế đòi hỏi cao; đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn giúp đóng góp vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững và đóng góp cho an sinh xã hội”. |